‘Tôi thấy mình ác quá khi cưỡi voi’

18/07/2018 14:24 GMT+7

Tôi thật sự vui mừng khi Vườn quốc gia Yok Đôn sẽ chuyển đổi từ mô hình sử dụng voi (bán vé cho du khách cưỡi voi) sang mô hình thân thiện với voi.

Tôi thật sự vui mừng khi đọc được thông tin về việc Vườn quốc gia Yok Đôn đã phối hợp với Tổ chức động vật Châu Á (Animals Asia) ký kết hỗ trợ chuyển đổi từ mô hình sử dụng voi (bán vé cho du khách cưỡi voi) sang mô hình thân thiện với voi.
Theo đó, Animals Asia sẽ hỗ trợ 65.000 USD thực hiện dự án từ 7.2018 đến 7.2023 để nâng cao nhận thực của cộng đồng, bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn thiên nhiên…
Mừng với dự án này song tôi cũng cảm thấy xấu hổ về “nhận thức cộng đồng trong bảo vệ động vật hoang dã” của mình. Là bởi, tôi vừa đi Tây Nguyên về, vừa … cưỡi voi trong tour du lịch Bản Đôn xong! Có thể tôi là một trong số những “hành khách cuối cùng” cưỡi voi cũng như… hành hạ voi khi dự án này có hiệu lực.
Như đa số du khách khác đến Bản Đôn, tôi cùng bạn bè, người thân chờ mua vé cưỡi voi (chỉ đi một vòng khoảng hơn 200 mét). Giá vé 200.000 đồng/người. Được cảm nhận cảm giác lắc lư khi ngồi trên lưng voi, đưa tầm mắt nhìn ngắm tứ bề rừng núi để chụp hình khoe Facebook như bao người với cái giá đó cũng không quá đắt. Nhưng đi xong mới thấy ân hận rằng mình đã làm một việc thật tệ hại!
Người bạn đi cùng tôi hôm đó khi… xuống voi cũng buồn rười rượi. Bạn nói “thấy mình ác quá” khi cưỡi voi. Và bạn phát hiện ra rằng, để voi không lồng lên, chạy bậy hất tung du khách, nài voi luôn gí cây sắt nhọn trên đầu voi như là để đe dọa, để cảnh cáo nó! Tôi mới giật mình rằng mình đã làm một việc chẳng thân thiện chút nào với voi…
Cậu bé nài voi hôm ấy tôi thuê mới mười mấy tuổi. Em cho biết mỗi ngày đi khoảng 10 vòng như vậy. Du khách luôn luôn háo hức với hình thức cưỡi voi lội hồ này. Nhiều người còn thuê voi đi ngắm thác, đi dạo trên đường buôn làng với hàng cây số. Tùy vào giá cả mà đoạn đường voi chở người đi xa hơn, thú vị hơn cho du khách tha hồ ngắm cảnh, chụp hình…
Có một điều cần nói nữa ở đây với những người làm du lịch cũng như định hướng cho du lịch thân thiện phát triển. Đó là quan niệm mang nhẫn đuôi voi là may mắn! Tôi hỏi một người ở Đắk Lắk về việc này, bạn cười: “Làm gì có lông đuôi voi mà tin? Cả đoàn còn mấy chục con voi và mỗi con lơ thơ vài cọng lông vậy lấy đâu ra lông voi mà làm nhẫn?”. Tôi hỏi tiếp rằng, sao biết người ta làm giả vậy vẫn không bị cấm, vẫn để người ta bán nhẫn lông voi nhan nhản? Bạn lại cười cười, lấp lửng bảo rằng, để bà con kiếm chút tiền mưu sinh, du lịch ở đâu chẳng có chút… lừa dối nhỏ nhoi như thế!
Bản thân tôi khi xuống khỏi lưng voi cũng được một nhân viên của hãng du lịch tiếp cận và hỏi có mua nhẫn lông voi “thật” không. Tôi bảo không bởi nếu lông voi thật, chắc nó mọc không kịp cho họ nhổ để lồng vào chiếc nhẫn đó…
Xâm hại đến thân thể động vật hoang dã, chúng ta đã “tận thu” quá nhiều mà không hề nghĩ đến sự an nguy của chúng. Voi cũng biết đau, biết mệt vậy. Và tôi mong các bạn đọc bài này, đừng thích cưỡi voi nữa. Chúng ta cần thân thiện với voi hơn, nhìn ngắm chúng, mua mía cho chúng ăn! Thế thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.