Ở trường tôi dạy, mỗi phòng học có có gắn nhiều đèn và quạt máy nên tôi thường xuyên nhắc nhở học sinh sử dụng điện tiết kiệm. Tuy nhiên, các em học sinh do còn nhỏ vẫn chưa có ý thức sử dụng điện hợp lý.
Tối nhớ có lần vào lớp, khi thời tiết lạnh vẫn thấy các em mở quạt vù vù. Thật là nghịch lý khi nhiều em mặc áo khoác vì lạnh mà những chiếc quạt máy vẫn cứ hoạt động. Tôi vội vàng tắt các quạt. Nhiều em học sinh không bằng lòng thì tôi hỏi em Hùng: “Em cho thầy biết ở gia đình em hàng tháng đóng bao nhiêu tiền điện”. Em Hùng đáp: “Thưa thầy! Mỗi tháng nhà em tốn hơn 1 triệu tiền điện ạ”. Tôi nói: “Các em thấy không chỉ có một gia đình em Hùng mà mỗi tháng phải đóng tiền điện nhiều như vậy. Các em thử tính ở trường có 35 lớp, thì hàng tháng chi phí tiền điện rất nhiều. Nếu các em không Tiết kiệm điện thì làm sao nhà trường trả tiền điện cho nổi. Hiện giờ, em bị lạnh, các em mở quạt là không hợp lý nhé”.
Học trò nghe tôi giải thích vậy và bắt đầu học mà không còn khó chịu khi thấy những chiếc quạt đã tắt. Sau đó, tôi thông báo từ nay khi học buổi sáng thì sau giờ ra chơi các em mới được sử dụng quạt máy. Khi trời mưa bão thì các em không được mở quạt. Em nào vi phạm sẽ bị viết kiểm điểm.
Một lần khác, tôi vào lớp dạy lúc trời chuyển mưa nên rất tối. Tôi vội vàng mở đèn. Thấy vậy, em Khang hỏi: “Sao thầy bảo tụi em sử dụng điện tiết kiệm mà thầy lại mở đèn ạ? ”. Tôi đáp: “Lúc này thì cần sử dụng đèn rồi em à. Tiết kiệm điện thế này thì các em sẽ bị cận thị nhé. Tiết kiệm điện là phải sử dụng điện đúng lúc”.
Những lúc tôi dạy hết bài còn thời gian, tôi kể cho các em nghe về cách sử dụng điện tiết kiệm của gia đình tôi. Các em ngạc nhiên khi tôi nói hàng tháng gia đình tôi có hóa đơn tiền điện chưa đến 300 ngàn đồng.
Lý do nhà tôi ở thôn quê, mở cửa sổ là có gió nên ít sử dụng quạt, nhà không có sử dụng máy điều hòa nhiệt độ và không sắm máy giặt. Kỷ niệm khó quên của tôi là có nhiều lần nhiều học sinh đến nhà và chứng kiến cách sử dụng điện tiết kiệm tại gia đình. Nhà tôi có bếp củi, sáng sớm tôi hoặc vợ tôi nấu nước bằng củi đổ vào các bình thủy. Nước này sử dụng để nấu cơm, nấu canh hay ăn mì gói. Như vậy vừa tiết kiệm điện, vừa tiết kiệm gas. Thỉnh thoảng tôi có tổ chức thi đố vui về tiết kiệm điện và phát thưởng cho các em.
Rất nhiều học sinh khoe với tôi là các em đã kể cho cha mẹ nghe về cách sử dụng điện của thầy và gia đình các em làm theo. Hóa đơn tiền điện trong gia đình các em cứ giảm dần theo từng tháng. Nhiều em còn nói nhà em còn đun bằng củi như thầy để giảm tiền điện. Nghe các em nói vậy tôi xúc động không nói nên lời.
Và hạnh phúc của đời tôi chính là đã truyền cảm hứng về cách sử dụng điện tiết kiệm cho học sinh. Nếu như các trường học trên toàn quốc, thầy cô nào cũng hành động như tôi thì lượng điện tiết kiệm rất lớn vì số lượng học sinh rất nhiều. Quan trọng hơn, các em sẽ giữ mãi thói quen này cho đến lúc trưởng thành và tiếp tục truyền cảm hứng cho con cháu, trở thành sự kế tục rất hay và khi ấy, ai cũng hình thành cho mình Tiết kiệm điện thành thói quen thì cuộc sống này mọi người đều có điện để dùng.
Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.
Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: [email protected] hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải trên thanhnien.vn.
Bình luận (0)