Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.
Ông nhận định gì về tình hình thị trường bán lẻ trong 8 tháng đầu năm nay và 4 tháng cuối năm?
Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Sagon Co.op: Thị trường bán lẻ trong những tháng vừa qua không tăng trưởng, thậm chí là đi ngang. Theo Kantar, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có xu hướng giảm dần, chỉ riêng trong quý 2/2023, CPI đã giảm 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng giá trị hàng tiêu dùng (FMCG) đạt 8% ở thành thị và 10% ở nông thôn, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do tình hình lạm phát vẫn khiến người tiêu dùng lo ngại về tăng giá và thắt chặt chi tiêu.
Trong 4 tháng cuối năm, tình hình thị trường bán lẻ dự báo vẫn tiếp tục khó khăn do nguy cơ doanh nghiệp phải tăng giá hàng hóa, tác động đến sức mua của thị trường. Hiện Saigon Co.op cũng đã nhận được nhiều yêu cầu tăng giá bán của các nhà cung cấp. Lý do được các nhà cung cấp đưa ra khá hợp lý như chi phí xăng dầu, lương công nhân, nguyên vật liệu đầu vào sản xuất… đồng loạt tăng mạnh. Hiện Saigon Co.op đã cùng các nhà cung cấp giảm tối đa chi phí sản xuất để giữ ổn định giá hàng hóa trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ khó duy trì. Tuy nhiên, Saigon Co.op vẫn hy vọng thị trường bán lẻ có những điểm sáng khởi sắc với mức tăng trưởng đáng kể với 2 chương trình khuyến mãi trọng điểm "Trân trọng cảm ơn khách hàng" và "Tết Nguyên đán 2024" mà Saigon Co.op đẩy mạnh triển khai trong các tháng tới.
Để giảm thiểu nguy cơ và khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, theo ông cần có những giải pháp nào?
Trước hết, Saigon Co.op đang tập trung vào việc mở rộng sự hiện diện của mình trên đa kênh và đa nền tảng để khai thác tiềm năng của các kênh trực tuyến. Đây là giải pháp nhằm đáp ứng mong muốn của người tiêu dùng về trải nghiệm mua sắm thuận tiện và liền mạch. Còn các nhà cung cấp cho hệ thống cũng bán được hàng hóa, giải phóng hàng tồn, gia tăng sản xuất.
Bên cạnh đó, Saigon Co.op phối hợp với các nhà cung cấp chia sẻ lợi nhuận bằng cách thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá, góp phần mang đến những sản phẩm xuất xứ Việt, chất lượng cao nhưng giá cả hợp lý, chia sẻ áp lực chi tiêu với người tiêu dùng.
Ở khía cạnh khác, từ đầu năm 2023 đến nay, Saigon Co.op tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, cải tổ sâu và mạnh mẽ chiến lược hàng hóa - chiến lược giá; nâng cao lợi thế cạnh tranh; số hóa trong hoạt động quản lý; nâng cao hiệu quả quản trị; đẩy mạnh, đa dạng hóa thương mại điện tử; đầu tư cho khách hàng, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng; nâng cao hiệu quả các mô hình bán lẻ; chuẩn bị kế hoạch dài hạn cho hoạt động logistics. Những giải pháp này bước đầu đã và đang tạo sự thuận lợi, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, đồng thời nâng cao năng lực hệ thống bán lẻ, làm cơ sở để trợ giá tốt hơn cho người tiêu dùng.
Chính phủ nói chung và TP.HCM đã và đang tích cực triển khai chương trình kích cầu du lịch. Tuy nhiên, điểm cuối trong hoạt động tiếp đón du khách nước ngoài còn thiếu yếu tố kết nối với hàng Việt. Vậy theo ông, cần có giải pháp nào để có thể thực hiện được vấn đề này?
Thực tế cho thấy, nhiều chương trình kích cầu du lịch thời gian qua đã thu hút du khách nước ngoài và trong nước. Đây cũng được xem là thị trường tiềm năng cho hàng Việt nếu như khai thác tốt giải pháp du lịch kết hợp mua sắm.
Tuy nhiên, hiện giải pháp kết hợp giữa du lịch và mua sắm chưa được tính toán và thực hiện một cách đầy đủ, đồng bộ. Tại những điểm tham quan du lịch nói chung và TP.HCM nói riêng chưa được quy hoạch điểm bán sản phẩm phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách "tiêu tiền". Điều này cũng gián tiếp làm mất đi cơ hội phát triển thị trường của hàng Việt. Do đó, cần có chính sách chung về phát triển du lịch kết hợp quy hoạch điểm mua sắm phù hợp. Song song, thực hiện giải pháp kích cầu chéo giữa doanh nghiệp các ngành thương mại, du lịch, bán lẻ, sản xuất… để tạo sự tăng trưởng đồng bộ, ổn định giữa các ngành. Mặt khác, các công ty du lịch khi thiết kế các tour dành cho khách quốc tế và trong nước cần có thêm điểm đến mua sắm hàng Việt.
Về phía Saigon Co.op cũng sẽ có những điều chỉnh trong hoạt động kinh doanh tại các điểm bán như Co.opmart, Co.opXtra, Sense City... để đáp ứng tối đa nhu cầu mua sắm của du khách. Mặt khác, phối hợp với các công ty du lịch phát cẩm nang mua sắm, tờ rơi và thông tin chương trình khuyến mãi hàng hóa đến cho du khách. Ngoài ra, vào tháng 12.2023, Saigon Co.op dự kiến đưa vào hoạt động khách sạn Saigon Cần Thơ chuẩn 4 sao ngay tại quận Ninh Kiều. Khách sạn này có vị trí sát bên Trung tâm thương mại Sense City Cần Thơ nên thuận tiện cho du khách trải nghiệm tham quan mua sắm sản phẩm thuần Việt.
TP.HCM đã và đang quyết liệt triển khai Nghị quyết 98. Vậy theo ông, nghị quyết này sẽ tạo ra những cơ hội phát triển nào cho doanh nghiệp TP nói chung và Saigon Co.op nói riêng?
Nghị quyết 98 với 44 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 27 điểm mới được thí điểm cho TP.HCM. Điều này kỳ vọng sẽ giải quyết được rất nhiều điểm nghẽn trong quá trình phát triển của thành phố như bất động sản, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tiêu dùng bền vững… Từ đó, cũng sẽ gián tiếp hoặc trực tiếp hỗ trợ ngành bán lẻ nói chung và Saigon Co.op tăng trưởng nhờ mở thêm điểm bán, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo hơn trong mô hình bán lẻ, phát triển mạnh thương mại điện tử…
Trước mắt, với cơ chế đặc thù Nghị quyết 98 cho phép thành phố cải tổ toàn diện môi trường đầu tư, cải cách đồng bộ thủ tục hành chính, giúp quy trình phê duyệt hồ sơ, dự án nhanh, đơn giản hơn cũng đã tạo lợi thế phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp. Saigon Co.op cũng đang cùng các nhà cung cấp tiếp tục nghiên cứu sâu các cơ chế đặc thù để tận dụng phù hợp cho chiến lược phát triển của mình.
Cảm ơn ông!
Bình luận (0)