Ông Tuân, người đọc lời xin lỗi công khai run rẩy, nhiều lần phải dừng lời giữa chừng vì bị chọi dép, chọi vỏ chai liên tục. Hai người khác đứng cạnh che chắn cho ông Tuân bằng những tấm bìa sách thi thoảng cũng bị những chiếc dép liệng trúng.
Hội trường hỗn loạn, giữa những tiếng la hét và gào khóc của người nhà nạn nhân vì bức xúc rằng đến nay tòa vẫn chưa tìm ra thủ phạm thật sự của vụ án, chai lọ, vật cứng vẫn được ném lên. Đám đông không làm chủ được hành vi còn dỡ đổ cả các tấm bảng chữ trên hội trường.
tin liên quan
Hỗn loạn tại buổi xin lỗi công khai tử tù Hàn Đức LongNhiều người lao vào lực lượng chức năng, kéo đổ bục phát biểu tại hội trường, trèo lên bàn ghế, gây náo loạn tại buổi xin lỗi ông Hàn Đức Long, thậm chí ném dép vào đại diệnTòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Đây không phải là lần đầu tiên có cảnh náo loạn tại phiên xin lỗi công khai người bị án oan. Năm 2016, tôi có mặt tại phiên xin lỗi công khai cụ ông Trần Văn Thêm, 80 tuổi, người chịu án oan suốt 43 năm tại Bắc Ninh, tình trạng này cũng xảy ra.
Không có cảnh người nhà nạn nhân chọi dép lên phía người đại TAND cấp cao tại Hà Nội đọc lời xin lỗi công khai, tuy nhiên đám đông phía dưới gào thét, khóc lóc, xô đổ bàn ghế, chỉ tay vào mặt người được xin lỗi và cơ quan chức năng để hỏi: “Vậy thì thủ phạm là ai? Người ta đã được minh oan, còn bố tôi, ai là kẻ đã giết bố tôi? Họ phải đền tội”.
Những người được xin lỗi công khai, tử tù oan Hàn Đức Long và Trần Văn Thêm đã không có những niềm vui trọn vẹn. Trong một ngày trọng đại của cuộc đời, được xóa đi tiếng oan ức bao năm, trước mặt đông đảo bà con, hàng xóm láng giềng, họ bị vấp phải sự phản đối của chính gia đình những nạn nhân.
Ngày tưởng là hạnh phúc vụt biến thành cay đắng. Tử từ oan Hàn Đức Long phải lặng lẽ trở về khi tòa còn chưa đọc xong lời xin lỗi công khai. Cụ ông Trần Văn Thêm thì lặng người, liêu xiêu suýt ngã trước những cái chỉ tay và ánh mắt dữ dội của người nhà nạn nhân, cụ được cháu con đưa về nhà bằng một cánh cửa sau.
|
Có thể hiểu phần nào những bức xúc của người trong cuộc. Niềm vui sẽ trọn vẹn hơn cho cả hai bên nếu như cơ quan tố tụng tìm ra được những hung thủ thật sự của vụ án, để làm dịu nỗi đau của những người ở lại.
Một vấn đề khác đặt ra, đó là làm sao để những buổi công khai xin lỗi những người chịu án oan cần được bảo đảm diễn ra trong an toàn, trang trọng hơn, không gây ảnh hưởng xấu đến cơ quan nhà nước.
Mới đây, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp hôm 26.4, ông Trần Việt Hưng, Phó cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước cho biết luật hiện hành chi nói rằng việc xin lỗi phải nghiêm túc, công khai, còn tổ chức ra sao, nội dung thế nào, thành phần tham dự ra sao thì luật hiện hành chưa quy định rõ ràng.
Đây chính là kẽ hở để những buổi xin lỗi công khai có nhiều thành phần tham dự, nhiều người có hành vi quá khích.
Theo ông Hưng, dự thảo luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước đang được sửa đổi sẽ quy định cụ thể về việc người bị oan sai yêu cầu cơ quan làm sai tổ chức xin lỗi.
Được xin lỗi công khai là một quyền lợi chính đáng của bất cứ công dân nào bị oan sai. Và công dân cũng có quyền đòi hỏi luật mới sẽ hạn chế được những hành vi gây rối trong quá trình xin lỗi công khai, để các buổi xin lỗi công khai thật sự đảm bảo đúng tính chất nghiêm minh, đúng vai trò, chức trách của cơ quan nhà nước. Có như vậy, may chăng mới không còn cảnh những chiếc dép bị chọi lên ngắt lời tòa án.
Bình luận (0)