'Chống chọi' với giấy tờ giả

20/04/2020 06:59 GMT+7

Tuần qua, Thanh Niên đăng loạt bài liên quan đến 'lỗ hổng' công chứng, để lọt giấy tờ giả và nhận được rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Nhiều email gửi đến tác giả bài viết bày tỏ lo lắng việc công chứng vô ý “lọt” giấy tờ giả, nhưng lại không phải chịu trách nhiệm bồi thường, dù luật Công chứng đã quy định tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi của công chứng viên (CCV)... trong quá trình công chứng.
PV Thanh Niên trong quá trình thực hiện loạt bài đã gặp nhiều CCV, người đứng đầu các tổ chức hành nghề công chứng. Đa phần đều nêu quan điểm rằng người phạm tội lợi dụng công chứng, “tinh vi” trong việc làm giả giấy tờ, trong khi luật không buộc CCV phải biết, nên CCV không có lỗi khi không phát hiện vì đã “công chứng đúng quy trình”. Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn nhìn nhận các tổ chức hành nghề công chứng không thể phủ nhận trách nhiệm của mình vì công chứng là dịch vụ công do nhà nước ủy nhiệm thực hiện nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch.
Hai luồng quan điểm này cũng thể hiện, ở một số vụ án liên quan, khi tòa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã có những quan điểm luận tội, xét xử không đồng nhất về trách nhiệm bồi thường của phía CCV, văn phòng công chứng. Có thể nói, làm rõ yếu tố lỗi, cũng như bảo vệ được quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người tham gia, người thực hiện công chứng là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng; các cơ quan, từ lập pháp, hành pháp đến tư pháp phải thống nhất trong cách hiểu văn bản pháp luật đến vận dụng luật để xét xử.
Thực tế, để làm được điều trên cần phải có thời gian, trong khi những tranh chấp, thiệt hại liên quan đến “lỗ hổng công chứng” lại không ngừng phát sinh. Vì thế, trước mắt cần phải có một án lệ để làm “chuẩn” trong xét xử đối với tình huống pháp lý tương tự. Về lâu dài, đó còn là trách nhiệm và nghĩa vụ ở khâu đào tạo nghiệp vụ CCV, để đội ngũ này tự nâng cao năng lực, biết cần phải làm gì nhằm tăng khả năng nhận biết thật - giả khi xem xét giấy tờ. Một số chuyên gia cũng thẳng thắn trao đổi với tôi rằng, nên hướng việc công chứng đạt “chất” hơn là “số lượng” để người dân yên tâm vào dịch vụ này và chính CCV cũng yên tâm trong hành nghề; đồng thời, để CCV không “than” rằng họ đang phải một mình “chống chọi” với giấy tờ giả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.