Khi ấy tôi đang đứng trước cổng Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thì nhìn thấy một người đàn ông trung tuổi chở trên xe máy một phụ nữ và một bé gái chừng 5 tuổi. Khi rẽ vào cổng trường thì va quệt nhẹ với một xe máy khác đang đi ra, nên xe của người đàn ông bị mất lái ngã ra đường. Người phụ nữ hốt hoảng kêu ầm lên vì lo cho đứa bé. May mắn cả hai người không sao. Ngay lúc đó đứng chứng kiến cùng tôi là lái xe grab - người được tôi đặt xe đón ngay tại cổng trường.
Anh lái xe ấy thấy vậy, bỏ cả việc chở tôi đi ngay mà dừng xe xuống đỡ xe cho người đàn ông. Nhưng bất thình lình, người đàn ông đó chạy ra chân cột điện gần đó cầm một viên gạch “nguyên con” ném vào anh tài xế đang nâng xe cho mình, miệng thì hét lên những câu tục tĩu và dọa nạt.
Người tài xế bất ngờ không kịp phản ứng nhưng cũng may mắn tránh được viên gạch tai ương. Anh nói không phải mình gây ra, nhưng người đàn ông kia vẫn tỏ ra không tin và tiếp tục chửi bới. Tôi cũng nhanh chóng phân bua cho người tài xế để tránh bị hiểu oan. Đến gần mới thấy người đàn ông đó nồng nặc mùi rượu và cũng không một lời xin lỗi khi đã biết bị nhầm…
Trên đường chở tôi đi, anh lái xe grab không khỏi buồn lòng vì mình làm phúc phải tội. Anh bảo: thấy người tai nạn, không giúp thì không đành nhưng làm phúc phải tội. Nhỡ không có người làm chứng, công an ra kéo cả hai lên đồn tra hỏi thì “chờ được vạ má sưng”…
Đó là một câu chuyện trong nhiều câu chuyện mà bạn đọc Báo Thanh Niên cũng đã chia sẻ trong các bình luận khi đưa ra nguyên nhân về sự vô cảm của con người, trước một cô gái bị tai nạn giao thông nằm bất động trên vỉa hè ở TP.HCM.
Quả là sự vô cảm có nguyên nhân của nó. Đôi khi không phải người ta sợ vạ lây hay sợ bị hiểu nhầm, vì những kẻ vô văn hóa như tôi đã kể trong câu chuyện trên không phải là nhiều. Mà cái họ ngại là nếu như bị oan sẽ không ai đứng ra bảo vệ cho họ. Có lẽ họ đã thiếu niềm tin vào pháp luật từ những câu chuyện trái ngang diễn ra gần đây?.
Tuy nhiên, theo tôi sự việc vừa xảy ra ở TP.HCM cũng chỉ là một việc hy hữu chứ không phải là phổ biến. Tôi vẫn thường xuyên gặp những người đã giúp đỡ người khác trong hoạn nạn. Tuy nhiên những người làm công việc nghĩa cử đó đôi khi họ không muốn ai biết, và đôi khi cái tốt cũng không lan truyền đến “chóng mặt” như hiện tượng không tốt vừa qua.
Khi hỏi về nguyên nhân của sự vô cảm này, một chuyên gia về giáo dục đạo đức lối sống, cũng nói với tôi rằng, hiện pháp luật chưa có nhiều chế tài để bảo vệ người dân trong các tình huống phát sinh đột ngột của cuộc sống. Nhưng theo tôi pháp luật dù có đầy đủ đến đâu cũng không thể bằng nhận thức và ý thức của con người. Nếu ai cũng chỉ lo cho bản thân mình thì xã hội không còn tình nhân ái nữa.
Bình luận (0)