Bệnh thành tích!

03/10/2016 05:53 GMT+7

Qua những phát biểu của giáo viên, lãnh đạo trường tiểu học có học sinh lớp 6 không biết đọc, biết viết nên bị trả về học lớp 1 ở tỉnh Sóc Trăng, cho thấy chính căn bệnh thành tích và tư duy không xem trọng giá trị thật là nguyên nhân của vấn đề.

Có thể cho rằng học sinh (HS) này thuộc dạng “khó khăn về học” nên học rất yếu. Biết vậy nhưng sao hiệu trưởng vẫn cho lên lớp đều đặn và cấp giấy chứng nhận hoàn thành tiểu học để HS vào lớp 6, dù chính gia đình đã mấy lần xin cho con ở lại lớp? Giải thích của Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Đạo Thành đã nói lên bản chất của vấn đề. Trường này đã đạt chuẩn quốc gia, vì áp lực của danh hiệu này mà cuối năm mỗi lớp không được quá 1 HS lưu ban!
Vì danh hiệu, thành tích mà giáo viên và lãnh đạo nhà trường sẵn sàng đẩy HS chưa đủ điều kiện học tiếp lên lớp hoặc cấp học trên, mặc kệ các em đó có học được hay không.
Những chuyện như thế này không hề xa lạ với giáo dục VN. Tư duy xem trọng thành tích, điểm số đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của giáo dục từ việc giảng dạy, kiểm tra định kỳ, thi tốt nghiệp đến cả thi HS giỏi…
Báo chí từng nêu có tỉnh giáo viên làm bài giúp HS để tỉnh đạt thành tích xóa mù chữ. Có hiệu trưởng sẵn sàng thay đổi thang điểm bằng cách giảm mức điểm ở câu hỏi khó, tăng điểm cho câu hỏi dễ khi thấy điểm kiểm tra HS của một môn học quá thấp. Thậm chí, từng có chuyện nhiều bài thi được đánh dấu để nâng điểm ở một kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh.
Áp lực về thành tích đã khiến những người làm giáo dục phớt lờ tất cả những mục tiêu, sứ mệnh mà một nền giáo dục cần mang đến cho người học. Bất chấp hậu quả mà chính người học và xã hội phải gánh, các nhà trường không ngần ngại đẩy lên cấp học trên những sản phẩm không đủ chất lượng.
Trở lại câu chuyện HS ở Sóc Trăng. Khi trả về lớp 1 liệu HS này sẽ tiếp tục theo đuổi việc học? Theo lời của gia đình, khả năng rất lớn là không thể. Như vậy, con đường học vấn của HS này sẽ kết thúc ở đây. HS này sẽ làm gì với “hành trang” chưa biết đọc, viết chưa rành, làm các phép tính đơn giản không thông? Có lẽ em sẽ tham gia vào lực lượng lao động giản đơn bằng một nghề nghiệp mưu sinh nào đó. Nhưng với mớ “kiến thức” lõm bõm, nhiều khả năng HS này sẽ trở thành một lao động kém chất lượng.
Nhìn rộng ra, chính những trường hợp như thế này đã làm ảnh hưởng rất lớn khiến nguồn nhân lực của VN luôn ở mức thấp.
Nếu như lãnh đạo nhà trường, giáo viên xem trọng những giá trị cốt lõi, thực chất thì sẽ tìm cách đưa HS đi đúng đường, không gây ra cảnh dở dang với những hậu quả nặng nề cho cả gia đình và xã hội.
Dưới sức ép của dư luận rồi lãnh đạo các cấp sẽ đưa ra hình thức xử lý. Nhưng những câu chuyện như thế này vẫn tồn tại nếu những nhà quản lý vẫn xem tỷ lệ tốt nghiệp, lên lớp, điểm số... là tiêu chí thi đua, đánh giá thành tích.
Trước khi đưa ra những đột phá trong cải cách, ngành giáo dục nên bắt đầu thay đổi từ điều cốt lõi. Đó là dạy và học thực chất. Đừng dùng kỹ xảo, đừng tạo áp lực chỉ tiêu. Khi ấy cả người dạy và người học không khổ sở như bây giờ và tự khắc sự giả dối sẽ không tồn tại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.