Việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay thế cho những cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy là xu thế không thể đảo ngược khi chúng ta bước vào cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, quan trọng hơn việc “số hóa” thuần túy mang tính kỹ thuật, bỏ sổ hộ khẩu còn mang nhiều ý nghĩa về tư duy quản lý xã hội.
Sổ hộ khẩu đã tồn tại gần 70 năm qua như một cuốn sổ nắm “quyền sinh sát” đối với nhiều thế hệ các hộ gia đình trong xã hội thời bao cấp. Khi ấy, cuốn sổ hộ khẩu luôn đi kèm với sổ gạo, việc làm, quyền mua xe, mua nhà và cả quyền học hành của con cái.
Thế hệ ngày nay thật khó có thể hình dung hết “giá trị” của những cuốn sổ hộ khẩu trong nhiều trường hợp đã quyết định cả số phận của cha, ông họ. Đã từng có thời người ta đã phải chấp nhận những quy định tưởng chừng không thể vô lý hơn như muốn mua nhà Hà Nội thì buộc phải chứng minh mình là “người Hà Nội”, nghĩa là cầm trên tay cuốn sổ hộ khẩu Hà Nội có tên mình.
Tuy nhiên, tới nay, khi nền kinh tế thị trường ở Việt Nam đã giải quyết được tất cả những điều này thì cuốn sổ này vẫn đeo đẳng nhiều người dân khi nó vẫn điều kiện tiên quyết để thực hiện rất nhiều quyền công dân của họ. Sự bức xúc của xã hội đối với sổ hộ khẩu đã tồn tại từ lâu.
Có lẽ không cần phân tích kỹ về những lợi ích mà việc bỏ sổ hộ khẩu có thể mang lại. Chính Bộ Công an khi tính toán sơ bộ đã khẳng định, việc bỏ sổ hộ khẩu giấy sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khoảng 1.600 tỉ đồng/năm.
Hàng ngàn thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin của người dân sẽ được cắt giảm khi cơ quan chính quyền có thể khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được dùng chung. Những kẽ hở cho tệ sách nhiễu trong các cơ quan công quyền cũng sẽ giảm bớt…
Quan trọng hơn, nó còn giúp người dân thực hiện rất nhiều quyền công dân như quyền tự do đi lại, tự do cư trú mà không bắt buộc phải phụ thuộc vào một cuốn sổ bằng giấy. Dù rằng, bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là chính quyền không quản lý bất cứ thứ gì mà thực tế là quản lý thông minh hơn.
Chính vì vậy, bỏ sổ hộ khẩu là điều được người dân mong chờ từ lâu. Từ cách đây 3 năm, Nghị quyết của Chính phủ cũng đã thống nhất việc quản lý cư dân bằng mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bãi bỏ sổ hộ khẩu và sổ tạm trú. Tuy nhiên, tới nay, bỏ sổ hộ khẩu vẫn nằm ở khâu đề xuất.
Bình luận (0)