Giá nước ở Sài Gòn

14/03/2009 00:37 GMT+7

Giá điện đã tăng, giờ đến lượt doanh nghiệp (DN) cấp nước đề xuất tăng giá nước. Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã có tờ trình về phương án tăng giá nước sạch trên địa bàn TP.HCM.

Theo đó mức giá áp dụng cho đối tượng sinh hoạt sử dụng đến 10m3/hộ/tháng là 4.500 đồng/m3; trên 10m3/hộ/tháng là 7.900 đồng/m3. Mức giá và cách tính này khác với cách tính hiện hành là dưới 4m3/người/tháng giá 2.740 đồng/m3; từ 4-6m3/người/tháng là 5.440 đồng/m3; trên 6m3/người/tháng là 8.040 đồng/m3 (gồm phí chi trả dịch vụ môi trường rừng là 40 đồng/m3). Đối với các nhóm đối tượng khách hàng là đơn vị sản xuất, cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, giá nước được đề xuất là là 8.000 đồng/m3 (giá đang áp dụng từ 4.500 - 6.000 đồng/m3) và giá áp dụng cho đối tượng kinh doanh, dịch vụ là 13.000 đồng/m3 (mức giá hiện hành là 8.000 đồng/m3).

Một cán bộ có trách nhiệm của Sawaco nói rằng, giá nước hiện hành được áp dụng từ tháng 7.2004 đến nay đã quá cũ, trong khi giá cả đã biến động rất nhiều. Yêu cầu đầu tư phát triển hệ thống cấp nước để đáp ứng nhu cầu của người dân, của các doanh nghiệp ngày càng lớn, nhưng giá nước chưa được tăng nên doanh nghiệp cấp nước trên địa bàn thành phố đang gặp rất nhiều khó khăn.

Có thể giá nước của Sawaco đề xuất đã tính theo chi phí sản xuất và phân phối nước sạch đến người tiêu dùng, nhưng với đa số người dân có thu nhập thấp và trung bình thì đây là mức tăng giá quá lớn. Trong tổng cộng gần 700 ngàn khách hàng của Sawaco hiện nay, liệu có bao nhiêu phần trăm có khả năng thanh toán theo mức giá mới đề xuất này? Theo số liệu mới nhất của Sawaco, với mức giá nước thấp như hiện nay mà trung bình mỗi tháng vẫn có khoảng 44 ngàn khách hàng không sử dụng nước (chiếm 6,34% trong tổng số khách hàng). Ngoài ra, còn có khoảng 50 ngàn khách hàng sử dụng nước dưới 4m3/hộ/tháng (chiếm 7,18%). Như vậy có tổng cộng 94 ngàn khách hàng không sử dụng hoặc sử dụng nước máy rất ít. Dù có đồng hồ nước, nhiều hộ dân vẫn khai thác nước giếng để tiết kiệm chi phí trong thời buổi giá cả tăng vọt, kinh tế khó khăn. Chính quyền thành phố không khuyến khích, thậm chí có nơi cấm khai thác nước ngầm để bảo vệ tài nguyên nước không bị cạn kiệt. Nhưng với thực trạng quản lý chưa chặt chẽ như hiện nay, cùng với giá nước tăng chắc chắn chuyện người dân tự ý khoan giếng khai thác nước ngầm sẽ không thể nào ngăn chặn được.

Cách tính mới theo đề xuất của Sawaco không phân biệt người có hay không có hộ khẩu thường trú. Điều này phù hợp với nguyện vọng của người dân, đồng thời thực hiện đúng theo Nghị định 117 của Chính phủ là giá nước sạch được xác định không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, nếu áp dụng định mức để được hưởng mức giá thấp nhất theo cách tính 10m3/hộ/tháng, thì sẽ không công bằng giữa hộ ít người và hộ nhiều người. Ví dụ theo cách tính hiện nay, nếu hộ có 3 người được hưởng định mức là 4m3 x 3 = 12m3/tháng, thì hộ có 6 người sẽ được hưởng định mức là 24m3/tháng (cao gấp đôi). Nhưng với cách tính định mức mới theo đề xuất của Sawaco, thì cho dù hộ có 3, 6 hay 10 người... cũng đều áp dụng định mức nước như nhau là 10m3/tháng. Điều này dẫn đến chuyện nếu muốn hạn chế chi tiêu thì nhà nhà sẽ đổ xô đi tách hộ khẩu.

Chúng ta đang ở thời điểm nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, thu nhập của người dân không tăng và thậm chí giảm, việc tăng giá nước có nên không?

Mai Vọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.