Một lần nữa Chính phủ đã ra quyết sách với vấn nạn này. Tại hội nghị trực tuyến với các địa phương về ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp (DN) hôm 27.6, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình nói rằng, sẽ “kiên quyết xử lý hình sự, không xử lý hành chính” đối với “tham nhũng vặt” đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Tham nhũng vặt” đang được nhận dạng ở rất nhiều dạng thức: đi xin cấp phép xây dựng, làm giấy tờ nhà đất, làm thủ tục thuế, hải quan… phải đi lại nhiều lần, chờ đợi lâu vì các thủ tục rườm rà, đành dúi cái “phong bì” vào tập hồ sơ.
tin liên quan
'Vòi vĩnh', 'chung chi' đang là vấn nạn nhức nhốiĐó là những chiếc phong bì người bệnh hay chuẩn bị khi đến gặp các bác sĩ, y tá, điều dưỡng; rồi chạy trường, chạy lớp, chạy điểm, phí trái tuyến, phí chống trượt trong trường học; rồi nạn ăn bớt, ăn chặn tiền trợ cấp, ủng hộ thiên tai…
Vô số chi phí “không chính thức” đang kìm hãm sự phát triển của xã hội.
“Lót tay”, “phong bì” trở thành thói quen, thành tập quán xấu xí của người Việt từ bao giờ không rõ. Tính nghiêm trọng của tham nhũng vặt ở chỗ nó diễn ra trên toàn xã hội, chứ không nằm ở cái phong bì “bôi trơn” một vài trăm ngàn hay một, hai triệu đồng. Và cũng chính vì tính “phổ biến” này mà “tham nhũng vặt” trở nên dai dẳng, thậm chí khó chống hơn tham nhũng lớn rất nhiều. Người dân, DN có xu hướng sẵn sàng đưa hối lộ để được việc, chấp nhận “bôi trơn” thay vì phải tố cáo hành vi tiêu cực… Còn cán bộ, công chức cũng sẵn sàng nhận tiền hoặc gợi ý đưa tiền để thực hiện nhiệm vụ, và xem đó như là chuyện “có qua, có lại”. Nếu một ai đó dám lên tiếng, dám đấu tranh với nạn “tham nhũng vặt” còn bị số đông coi là khác thường, dị biệt, là “săm soi”.
Báo cáo điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN công bố tháng 3.2019 cho thấy, 58% DN cho rằng “bị nhũng nhiễu”, 54% DN phải trả chi phí bôi trơn. Đây là bức tranh đáng buồn về môi trường kinh doanh.
Cũng như chống tham nhũng nói chung, chống “tham nhũng vặt” không thể bằng các chỉ thị, kêu gọi chung chung. Nó phải được thể chế bằng các quy định luật pháp và sự quyết tâm của bộ máy. Cần hạn chế các nguy cơ tham nhũng vặt bằng cách triển khai mạnh mẽ, triệt để chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin để hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức với người dân, DN. Các hành vi nhũng nhiễu người dân, DN phải bị lên án và truy cứu trách nhiệm hình sự (theo điều 354 bộ luật Hình sự, mức cấu thành tội nhận hối lộ là 2 triệu đồng).
Bình luận (0)