Thống kê chưa đầy đủ cho thấy mỗi năm tại VN có gần 6.000 người, trong đó có gần 2.000 trẻ em, tử vong do đuối nước; cao gấp 10 lần so các nước đang phát triển, cao hơn mức trung bình của các nước ASEAN.
Nên nhớ rằng đây là con số chưa đầy đủ, vì thống kê năm 2015 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy VN có hơn 11.500 trẻ em chết đuối mỗi năm, cao thứ hai trên thế giới; và kết quả điều tra của Quỹ nhi đồng LHQ tại VN (UNICEF) năm 2017 cho thấy trung bình mỗi năm ở VN có khoảng 7.000 trẻ em chết đuối, cao thứ hai về tỷ lệ tử vong, chỉ sau tai nạn giao thông.
Thực trạng này không mới, và từ đầu những năm 2000, VN đã kêu gọi phổ cập bơi. Sau gần 20 năm, lời kêu gọi vẫn dừng lại ở... kêu gọi.
tin liên quan
WHO công bố ẩn phẩm tiếng Việt hướng dẫn phòng chống đuối nướcKhi thảo luận luật Thể dục, thể thao năm 2018, nhiều đại biểu Quốc hội (QH) quá sốt ruột trước tình trạng nhiều bờ biển, sông hồ không giúp trẻ em VN bơi lội giỏi hơn, không giúp bơi trở thành một môn thể thao phổ biến như thông lệ của thế giới, mà lại khiến trẻ em VN chết đuối nhiều hơn, đã kiến nghị phải luật hóa việc học sinh ra trường phải biết bơi.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhấn mạnh rằng biết bơi phải là một kỹ năng sống còn, nó cũng quan trọng như việc biết đọc, biết viết, chứ không phải là một môn thể thao.
Tuy nhiên, đề nghị tha thiết này của nhiều vị đại biểu QH đã không được chấp thuận, với lý do muôn thuở - cơ sở vật chất của nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu, mặc dù nhiều đại biểu đã cho rằng lý do chưa đủ thuyết phục.
“Vấn đề là QH chúng ta có coi biết bơi là quan trọng không? QH coi là quan trọng, học sinh học xong phải biết bơi, thì từ đó mới có quỹ đất, có tiền, có giờ, có thầy giáo để dạy bơi. Phải có luật thì mới có cơ chế, có kinh phí, có biện pháp. Đó là tầm nhìn của QH. Đừng để có bể bơi mới xây dựng luật để bơi”, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đã phát biểu đầy tâm huyết như vậy.
Tiếc rằng đó vẫn chỉ là những tiếng nói thiểu số, có phần đơn độc trong số 500 vị đại biểu.
Từ đó đến nay, việc dạy bơi vẫn được đưa vào các phong trào phát động, các khẩu hiệu tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao... và những vụ đuối nước thương tâm thì vẫn xuất hiện đều trên báo chí.
Làm chính sách và phân bổ ngân sách chính là để xác lập các ưu tiên, để thể hiện tầm nhìn của những người quản trị đất nước.
Mỗi năm từng ấy trẻ em qua đời vì đuối nước đã đủ để môn bơi có một quy định trong luật chưa? 20 năm tăng cường, đẩy mạnh không hiệu quả đã đủ để làm nên một thay đổi chưa? Có lẽ, những người làm chính sách nên có câu trả lời.
Bình luận (0)