Hai chữ “phận người”, mỗi lần nhắc đến, thường là trộn lẫn buồn vui.
Nhưng nếu nhắc mấy chữ “phận người tiêu dùng Việt” hiện nay thì dường như chỉ thấm thía những nỗi buồn.
Có những chuyện nghe mà tê tái lòng. Doanh nghiệp bán hàng không đúng cam kết, quảng cáo một đằng bán một nẻo. Người tiêu dùng sa vào mê hồn trận gian lận thương mại, lừa đảo bán hàng. Nhưng nếu có lỡ sa vào thì tự mà chịu đựng lấy, chẳng có ai thực lòng vì quyền lợi người tiêu dùng. Tức giận mà lên mạng xã hội bêu riếu doanh nghiệp thì có khi còn bị buộc tội vu khống cũng nên.
Khách gửi tiền ngân hàng thì chẳng thiếu hồi hộp. Có khách vì cả tin người của ngân hàng mà mất tiền. Chuyện vỡ lở ra thì mang tiếng dại. Theo đuổi đòi lại được quyền lợi có khi là chuyện xa vời.
Ở khu vực hàng hóa tiêu dùng như thực phẩm, mỹ phẩm, đông dược... thì nhan nhản chuyện hàng giả hàng nhái, thổi phồng giá bán, thực phẩm bẩn. Xưng là thực phẩm xanh sạch, nhưng nguồn gốc, chuỗi sản xuất chẳng được ai kiểm soát. Xưng là trái cây ngoại nhập nhưng chẳng biết nguồn nào nhập về, nhúng hết thuốc này chất nọ, mua về ăn như thể đánh đu với sức khỏe và tính mạng.
Rồi cũng có đủ hội này hiệp nọ gọi là bảo vệ người tiêu dùng, nhưng mỗi khi có chuyện cần bảo vệ thật sự quyền lợi người tiêu dùng, thì thậm chí lên tiếng phát ngôn còn không thấy có, nói gì chuyện đấu tranh pháp lý vì quyền lợi người tiêu dùng.
Thế là người tiêu dùng đành phải tự cứu lấy mình bằng những trò chơi truyền thông đầy sơ hở và dễ bị lợi dụng. Trước khi mua hàng thì lên diễn đàn, lên Facebook hỏi. Có hay đâu ở những nơi đó cũng không ít kẻ phục sẵn để bày chiêu thức lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng.
Thậm chí các giải thưởng thương hiệu, các danh hiệu chất lượng cũng bị lạm dụng rồi dần dần bị lợi dụng để gạt người tiêu dùng, “bảo kê” trá hình cho những chiêu trò gian lận thương mại làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Kể ra những chuyện như thế không phải chỉ để cảm thấy thấm thía buồn. Cũng đến lúc rồi, người tiêu dùng cần học lấy những cách hành xử mới, chủ động sử dụng quyền của mình để bảo vệ lợi ích chính đáng.
Quyền đó, trước hết là quyền lên tiếng có trách nhiệm vì cộng đồng. Lên tiếng có trách nhiệm chứ không phải lên mạng chửi đổng. Thứ hai là quyền tẩy chay có trách nhiệm với doanh nghiệp xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Thứ ba là quyền pháp lý, sử dụng các trình tự tư pháp chính thức để khởi kiện, để đòi bồi thường.
Và, phải nói luôn cho rõ, như một thông điệp từ phía người tiêu dùng gửi đến doanh nghiệp. Rằng không phải đồng tiền, mà chính lòng tin của người tiêu dùng mới là nguồn lực dưỡng nuôi sự sống còn và phát triển vững bền cho doanh nghiệp Việt trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế khốc liệt như hiện nay.
Bình luận (0)