Tham nhũng ‘vặt’

15/08/2018 04:43 GMT+7

Tỷ lệ người dân cho rằng phải “bôi trơn” khi làm sổ đỏ đã giảm từ 44% năm 2015 xuống 17% năm 2017 (kết quả khảo sát Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) do UNDP thực hiện), là một tỷ lệ tham khảo cũng đáng ghi nhận.

Nhưng nó có đáng được coi là một thành tích của ngành không, thì có lẽ là không. Tại sao người dân lại phải “xin”, phải “bôi trơn” để làm một dịch vụ mà đương nhiên nhà nước phải cung cấp? Chưa nói, thủ tục đó để phục vụ cho công tác quản lý của nhà nước nhiều hơn là người dân cần.
Phải thừa nhận rằng, việc cắt giảm thủ tục hành chính nói chung và trong lĩnh vực nhà đất nói riêng đã có những bước tiến đáng kể trong vài năm gần đây. Nhưng việc lạm dụng chức vụ trong thực thi công vụ mà biểu hiện rõ nhất của nó là sự nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, hay còn gọi là “tham nhũng vặt” thì vẫn khá phổ biến.
Muốn được chứng thực giấy tờ suôn sẻ thì phải lót tay. Muốn được khám nhanh, mổ nhanh, muốn được “tiêm không đau” thì phải phong bao cho bác sĩ, y tá. Muốn thông quan nhanh phải kẹp tiền vào tờ khai hải quan. Muốn hồ sơ nhà đất không bị đẩy lên đẩy xuống thì phải làm “dịch vụ”; thậm chí sau khi sổ đỏ đã được cấp, muốn nhận cũng lại phải “bôi trơn”... “Tham nhũng vặt” đang diễn ra khắp nơi, đến nỗi người dân chấp nhận như một thủ tục “bình thường”, mất phản xạ bức xúc, phẫn nộ. Nguy hiểm hơn nữa là nó dung dưỡng những công chức hách dịch, cửa quyền, sách nhiễu.
Về mặt lý thuyết, để giải quyết nạn “bôi trơn”, tham nhũng “vặt”, thì phải xóa bỏ được xin - cho, công khai hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn các thủ tục hành chính về thời gian, thủ tục. Nhưng quan trọng nhất vẫn là con người, vì suy cho cùng, con người quyết định thủ tục và thái độ hành chính. Nếu chúng ta không giải quyết được bài toán hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính (năng lực, năng suất của đội ngũ cán bộ, công chức) thì tỷ lệ 44% hay 17% không có ý nghĩa gì cả. Nó dù có chứa đựng một chút lạc quan của người dân về việc kiểm soát tham nhũng nhưng lại tố cáo nỗi hổ thẹn của nền công vụ.
So sánh hơi khập khiễng nhưng nước Mỹ với 315 triệu dân, quản lý khối GDP khổng lồ 16.000 tỉ USD, với 1,8 triệu công chức; hoặc Anh quốc chỉ có khoảng 700.000 công chức; sẽ thấy con số 2,8 triệu công chức của ta nặng nề, trì trệ đến mức nào. Một cỗ máy cồng kềnh thì thường kém hiệu quả, gia tăng những hao phí không cần thiết, mà ở đây là nạn sách nhiễu, tham nhũng “vặt” khó kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.