Lý do đội giá xe công theo Bộ TC là do bù đắp trượt giá chứ không phải do muốn dùng xe đắt tiền.
Lý do này không sai về lý thuyết nhưng xét trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề nóng bỏng hiện nay sẽ thấy sự vô lý đến xót xa của việc này. Chúng ta đều biết, vì trượt giá, mâm cơm của mỗi gia đình đang ngày càng giảm chất lượng nhưng chưa có cách nào để bù đắp. Cũng vì trượt giá, lãi suất tăng cao chóng mặt, chi phí đầu vào bị đẩy lên trời, nhiều doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ đang đứng bên bờ vực phá sản chưa có phương án tháo gỡ. Cũng vì trượt giá nên dù muốn tháo bỏ bao cấp giá một số mặt hàng thiết yếu như xăng, điện; muốn tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các mặt hàng này nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận xây dựng lộ trình để nền kinh tế không bị sốc. Cũng vì trượt giá, người dân, DN đã chia sẻ với nền kinh tế thông qua việc chấp nhận một mặt bằng giá mới, cao hơn rất nhiều so với thời điểm đầu năm trong khi thu nhập, lợi nhuận ngày càng "teo" đi. Họ không thể, không có và cũng không hề đòi hỏi bất cứ một sự bù đắp trượt giá nào. Vì vậy, hành động tự bù đắp trượt giá trong định mức xe công của Bộ TC không chỉ thể hiện sự thiếu gương mẫu của một cơ quan đầu ngành mà còn đặt câu hỏi về trách nhiệm, sự chia sẻ của Bộ này trong lúc đất nước gặp khó khăn.
Quan trọng hơn, việc tự ý bù đắp trượt giá trong định mức xe công của Bộ TC đã đi ngược lại Nghị quyết 11 của Chính phủ. Chính phủ đang quyết liệt cắt giảm đầu tư công, tại sao Bộ TC lại tăng định mức xe công? Nếu số tiền 800 triệu đồng không đủ để mua xe như "chuẩn" trước đây thì hoàn toàn có thể hạ "chuẩn" xuống chứ không thể biện minh rằng đó chỉ là bù đắp trượt giá chứ không phải nâng chuẩn xe công. Việc làm của Bộ TC đã cho thấy một nghịch lý đau lòng. Đó là chất lượng mâm cơm của người dân có thể giảm nhưng chất lượng xe hơi phải được giữ nguyên.
Hy vọng duy nhất của người dân và DN hiện nay là lạm phát sẽ giảm sau những giải pháp quyết liệt của Chính phủ. Nên có thể khẳng định, đây không phải là thời điểm để mang trượt giá ra làm lý do cho việc nâng định mức xe công. Thay vào đó, hãy giảm mọi khoản chi tiêu công bằng bất cứ giá nào nếu muốn kiềm chế lạm phát.
Trên thực tế, việc lãnh đạo của các cơ quan công quyền đến sở nhiệm bằng xe riêng là điều hết sức bình thường ở nhiều nước trên thế giới. Tại VN, việc này cũng đã được khởi xướng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Tuy nhiên, về lâu dài, về chiến lược, đây là việc không thể không làm. Chúng ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường, nhất thiết phải tiền tệ hóa mọi khoản chi tiêu cho quan chức từ tiền ngân sách như xe công, nhà công... để đưa vào lương và cho họ lựa chọn dịch vụ từ số tiền họ nhận được hằng tháng. Nếu không, sẽ mãi mãi tồn tại việc sử dụng xe công cho việc riêng, gây lãng phí ngân sách của Nhà nước như dư luận vẫn bức xúc.
Nguyên Hằng
Bình luận (0)