Chống biếu xén: Quyết tâm thôi chưa đủ!

Quyết tâm chống nạn biếu xén trong dip Tết nguyên đán của Thủ tướng đã nhận được sự đồng tình rất cao của xã hội. Liệu Tết năm nay nạn biếu xén chúc tụng tốn kém trong hệ thống nhà nước sẽ được loại bỏ?

Mới đây, trong một cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn: “Tôi yêu cầu không chúc Tết Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành. Yêu cầu các tỉnh không về Hà Nội chúc Tết. Ở các địa phương cũng vậy. Cần thực hiện nghiêm việc này. Chính phủ cần làm gương, từng thành viên Chính phủ thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng”.
Đến hẹn lại lên, khi dịp Tết Nguyên đán cận kề khắp nơi lại “nóng” lên chuyện quà cáp, biếu xén, dẫu là chuyện muôn năm cũ nhưng vẫn mãi nguyên tính thời sự. Biếu quà Tết cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên… trong chừng mực là một nghĩa cử đẹp thay cho lời cảm ơn và gửi gắm những lời chúc tốt đẹp cho nhau trong dịp năm hết Tết về.
Song, chỉ vậy thôi thì chẳng có gì phải bàn tán, ngẫm nghĩ. Càng gần Tết càng nhiều người bị cuốn vào cuộc đua marathon mong tìm được món quà cho vừa ý sếp, có giá trị lại vừa độc và lạ. Bởi vậy, dư luận đã kháo nhau về những chiếc vali “bỏ quên”, những món đồ từ trăm triệu đến bạc tỉ ùn ùn đổ về nhà những người có tiếng nói quyết định đến quan lộ của những kẻ mang quà đi biếu. Khi ấy việc biếu quà và nhận quà có được cho là bình thường?
Động cơ biếu quà chắc chắn cả người biếu và người nhận đều đã rõ, nó phản ánh triết lý sống méo mó, lệch lạc của một bộ phận người Việt như “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”, “con năng đến mẹ thầy năng thương”… Và rõ ràng, việc biếu xén quà cáp chỉ là cái cớ để trao gửi một thông điệp xin xỏ, chạy chọt, giá trị món quà càng lớn, tham vọng và ước muốn của người biếu càng cao.
Nhìn vào những món quà “khủng” từ rượu Tây giá tính bằng đôla, hàng độc hàng lạ trên rừng, dưới biển đến cục sừng tê giác phải quá cảnh mấy lần bay mới về tới Việt Nam, người ta không khỏi thắc mắc về nguồn gốc xuất xứ của những đồng tiền để mua nó. Càng có lý do để đặt ra nhiều câu hỏi khi nhìn vào bảng lương thấp lè tè chỉ đủ ăn, đủ mặc nhưng sao lại có những món quà đắt đỏ, xa xỉ thế.
Nạn biếu xén quà cáp “vượt khung” vào những dịp Tết thực ra là một dạng hối lộ, bôi trơn và những người có trách nhiệm cũng đã thấy được cái phản văn hóa và nguy cơ tha hóa biến chất từ đó mà ra.
Bởi vậy, Nhà nước đã có Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Quyết định 64/2007/QĐ-TTg về quy chế tặng quà, nhận quà và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Mới đây, Cục Phòng chống tham nhũng – Thanh tra Chính phủ còn mở 3 đường dây nóng tố tham nhũng và mãi lộ dịp Tết Nguyên đán… Nhưng xem ra đó chỉ là những biện pháp “nóng tay bắt lỗ tai”.
Đơn cử như trong năm 2015, theo báo cáo, Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính Phủ chưa phát hiện trường hợp nào nhận quà sai quy định, trong khi đường dây nóng của Cục nhận được 65 cuộc gọi tố cáo có dấu hiệu tham nhũng trong dịp Tết Nguyên đán. Trước đó, theo khảo sát về xung đột lợi ích do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới thực hiện trong quý II/2015, có 48% doanh nghiệp được hỏi thừa nhận có tặng quà cho cán bộ, công chức trong khoảng thời gian 12 tháng gần đây.
Quy định vẫn chỉ là quy định trong khi thực tế cuộc sống có vô vàn đường đi nẻo về, ngang dọc lắt léo thì liệu rằng quy định có “quy” được hết? Theo một quy chế về việc tặng quà do Bộ Tài chính soạn thảo, giá trị quà tặng tối đa không được phép vượt quá 500.000 đồng/món (tương đương 25 USD) và người nhận phải thực hiện báo cáo công khai tại cơ quan đơn vị.
Những quy định ấy chỉ “quy” được "ba bề nổi" mà chưa thấy hoặc không thể thấy được "bảy phần chìm" đó là phương thức nhận và biếu quà vô cùng đa dạng, từ chuyển khoản, bất động sản, đến những chiếc vali “bỏ quên”, không biếu trực tiếp tiền mặt nhưng tiền được ngụy trang dưới dạng “giá trị tiềm ẩn” là những hiện vật như cây cảnh, phương tiện đi lại có giá trị.
Có người đặt câu hỏi rất thời sự rằng: Khi nào nạn xin - cho, chạy chọt núp bóng biếu xén mới chấm dứt? Xin thưa, cơ chế xin-cho và quà cáp biếu xén là người bạn đồng hành như hình với bóng. Chỉ khi nào cơ chế xin-cho bị đập tan thì biếu xén, chạy chọt mới không còn đất sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.