Du học không về là chảy máu cả tiền và chất xám

14/12/2015 07:48 GMT+7

Đọc bài viết ‘Về hay ở, chọn lựa của mỗi người’ của bạn Vân Anh, tôi lại có hướng nhìn khác. Đúng là người du học có quyền quyết định về hay ở lại. Nhưng nhìn rộng hơn, đó chỉ là những lựa chọn ở tầm “vi mô”…

Đọc bài viết ‘Về hay ở, chọn lựa của mỗi người’ của bạn Vân Anh, tôi lại có hướng nhìn khác. Đúng là người du học có quyền quyết định về hay ở lại. Nhưng nhìn rộng hơn, đó chỉ là những lựa chọn ở tầm “vi mô”…

du học sinh Việt Nam tại Mỹ - Ảnh do nhân vật cung cấp.du học sinh Việt Nam tại Mỹ - Ảnh do nhân vật cung cấp.
Không có kế hoạch đi…
Với số lượng du học sinh khoảng 125.000 như hiện nay thì phong trào du học của người Việt Nam còn mạnh mẽ hơn cả nước Nhật thời Minh Trị cách đây hơn trăm năm. Người Nhật thời kỳ cải cách sôi động ấy đã có khoảng 30 năm phát triển thần kỳ, từ một nước phong kiến lạc hậu sang một nước công nghiệp có nhiều mặt còn vượt cả một số nước phương Tây.
Một trong những yếu tố để tạo nên sự thần kỳ đó chính là chính sách du học. Người Nhật thời đó đi du học cũng rầm rộ nhưng không tự phát như nước ta bây giờ mà có kế hoạch hẳn hoi. Đi học ở đâu và đi học cái gì để phát triển những lĩnh vực tổ chức xã hội và khoa học công nghệ của đất nước đó là điều được các lãnh đạo đất nước Nhật tính toán thật kỹ cho các du học sinh.
Xét trở lại phong trào du học của ta hiện nay, trong tổng số cả trăm ngàn các du học sinh, có đến 90% là du học tự túc. Tỉ lệ này cho thấy kế hoạch đi du học phần lớn là những định hướng cá nhân hay gia đình. Đó có lẽ là những hình thức “đầu tư kinh tế” mang tính cá lẻ thông qua việc du học chứ không phải là một phương thức mở mang dân trí để phát triển đất nước xét theo góc nhìn vĩ mô. Và đó cũng là phần nội dung chủ yếu cho câu trả lời câu hỏi đang được tranh luận hiện nay: “Nên về hay ở lại…?”
“Công anh bắt tép nuôi cò...”
Những phụ huynh có con em đi du học hẳn biết rõ một thực tế này: hầu hết các nước đang “bán chữ” đều có chính sách giữ lại các du học sinh giỏi để sử dụng cho các lãnh vực kinh tế của mình. Bởi đa số các du học sinh khi đã tốt nghiệp thì đều là những con người khá trưởng thành về mặt kiến thức cũng như bản lĩnh, vì họ đã trải qua rất nhiều cuộc thử thách về mặt ý chí trong suốt quá trình du học.
Theo một thống kê, mỗi năm trung bình người Việt chi ra khoảng ba tỉ USD cho con em du học, con số tương đương với tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hay tiền bán dầu thô. Nhiều gia đình phải bán cả nhà cửa, đất đai để có tiền lo cho tương lai con em mình. Đó là chưa kể đến cơ man nào là chi phí nuôi dạy của gia đình và xã hội một đứa trẻ từ lúc lọt lòng cho đến khi chúng đã đủ tuổi đi du học.
Đó là những cuộc “chảy máu chất xám” nếu như các du học sinh lựa chọn ở lại lập nghiệp tại đất nước đã đào tạo mình. Và ngay cả khi họ có về nước đi nữa thì đa phần cũng lựa chọn đi làm việc cho các công ty, các tập đoàn đa quốc gia hơn là các cơ quan, công ty, tập đoàn trong nước…
Thiếu đất dụng võ…
Đa số các du học sinh khi nêu ra lý do để ở lại các nước phát triển mà họ đã du học là do “thiếu đất dụng võ” ở quê hương mình. Sự khác biệt về văn hoá nơi họ tiếp thu học thuật và “bản quán” cũng là một lý do khác. Nhiều du học sinh khi trở về đất nước sau một thời gian tìm việc đã chán nản và tìm cách quay lại định cư ở “quê hương mới”.
Một điều khá hiển nhiên là khi chúng ta không có kế hoạch để đưa đi ắt cũng chẳng có kế hoạch đón về các du học sinh. Không cần thiết là phải có những cuộc “dọn ổ” cho những nhân tài này, nhưng nếu chúng ta có những định hướng phát triển rõ ràng hơn về những lãnh vực cần phát triển và đầu tư, kêu gọi các du học sinh về giúp đỡ đất nước thì chắc chắn là, không phải toàn bộ, nhưng cũng sẽ có rất nhiều người trong số họ quay về.
Người Việt, có mấy ai không yêu nước!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.