Đứng yên cũng là thay đổi

10/02/2021 14:00 GMT+7

“Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Hơn hai nghìn năm trăm năm trước, triết gia Hy Lạp Heraclitus đã nói như vậy.

Tôi nghĩ, câu đó không phải triết gia nói, mà chính dòng sông nói. Chỉ những gì đang trôi chảy mới có thể nói như vậy. Thời gian trôi chảy, và cuộc đời chúng ta cũng đang trôi chảy. Nó có thể dừng, với từng cá nhân, ở một lúc nào đó. Nhưng cuộc đời vẫn tiếp tục, và chúng ta ngay khi đã mất đi rồi, vẫn có thể tìm lại mình ở những người đang sống. Đó là một cuộc chạy tiếp sức.
Người ta nói rất nhiều về sự thay đổi. Nhưng nếu hiểu đời là cuộc chạy tiếp sức, thì có thể nghĩ, đứng yên cũng là thay đổi.
Nhiều lúc, tôi thấy mình đang đứng yên. Nhưng tôi bình thản với cảm giác này, vì dù đứng yên, tôi vẫn đang thay đổi.
“cây ổi má tôi trồng ngày trước
cây cho quả mà không nói gì
mùi ổi chín theo đi
khắp cùng đất nước”
( ỔI)
Như thế, từ cây ổi đến quả ổi, từ quả ổi đến mùi ổi chín, và cứ thế, chuyến du hành khắp cùng đất nước của một mùi ổi, trong khi cây ổi vẫn đứng yên, có thể minh chứng cho định đề “đứng yên cũng là thay đổi”.
Những ngày cuối năm, tôi cũng như mọi người, cứ tất bật vì rất nhiều việc. Trong khi mải mê với nhiều việc khác nhau phải làm, tôi vẫn ao ước có lúc được ngồi yên. Không làm gì, cũng không nghĩ gì. Chính lúc ấy, tôi đang thay đổi chính mình. Những trạng thái, dù thế nào, cũng có thể được thay bằng một trạng thái khác. Những ý nghĩ, dù hay ho tới đâu, vẫn được thay bằng những ý nghĩ khác. Cái khoảnh khắc mình cảm thấy hạnh phúc nhất, trôi qua rất nhanh. Nhưng dư vị của hạnh phúc thì còn lại. Chính vì thế, những người lớn tuổi hay nhớ nghĩ về quá khứ, về những gì đã trôi qua. Tôi không biết, dòng sông có cảm giác đang quay ngược về quá khứ trong khi chảy tới tương lai hay không, nhưng con người thì tới một lúc nào, thường có cảm giác như thế.Tôi mới được người bạn gửi cho một bức ảnh chân dung chị Đặng Thùy Trâm, lúc chị còn rất trẻ. Lúc ấy, chị chưa đi chiến trường, và có thể còn đang học đại học y Hà Nội. Nhìn bức ảnh ấy, không ai nghĩ chị Trâm sẽ là thế nào khi chị vào chiến trường, khi chị ngày đêm cứu chữa thương binh, khi chị đến với bà con xã Phổ Cường để sống cùng, để giúp bà con những khi bị bệnh tật. Và cuối cùng, khi chị đối mặt với cái chết. Không ai nghĩ được gì cả khi nhìn chân dung thời sinh viên của chị Trâm. Nhưng rồi, vào thời điểm chiến tranh đã kết thúc hơn 45 năm, chợt được nhìn ảnh chị Trâm thời trẻ, người ta có thể hình dung về hành trình cả cuộc đời ngắn ngủi của chị. Bức ảnh lặng im, nhưng cuộc đời người bác sĩ anh hùng Đặng Thùy Trâm thì chuyển động trong tâm tưởng chúng ta.
Có một người bạn học cùng lớp với chị Đặng Thùy Trâm ngày chị học cấp 3 ở trường Chu Văn An (Hà Nội), cũng đã có cảm giác ấy khi tận mắt nhìn chiếc hầm tránh bom cũ của chị Trâm ở một vùng núi huyện Đức Phổ giáp Ba Tơ. Để có được cái nhìn đó, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã tự đi bộ leo núi ở Đức Phổ để tới được nơi đặt bệnh xá cũ của chị Thùy Trâm, và ở nơi đó, một mình nhìn vào chiếc hầm cũ sạt lở thời chiến tranh mà chị Trâm từng cất giấu và phẫu thuật cho thương binh, Nguyễn Khoa Điềm đã có một bài thơ vào hàng buồn nhất và hay nhất của mình:
“Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang, cây dẻ của ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ”
(Ngày về)
Thăm thẳm và bơ vơ là cảm giác của nhà thơ khi nhìn chiếc hầm cũ nơi người bạn học của mình từng sống và làm việc, cảm giác ấy nói lên rằng, chị Trâm vẫn đang sống trong tâm tưởng người bạn học cũ. Ngày ấy, ở ngôi trường cũ bên hồ Tây ấy, không biết anh Điềm đã làm thơ chưa ? Nhưng khi bài thơ “Ngày về” ra đời, tôi lại có cảm giác mình đang sống tiếp chính cái cảm giác của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khi một mình ngồi nhìn chiếc hầm cũ. Lúc ấy, ngồi im cũng là thay đổi.
Nếu chúng ta biết chắt chiu những xúc cảm, chúng ta sẽ cảm thấu sống là thay đổi, và những gì đã trôi qua có thể vụt hiện ngược chiều với dòng sống. Lúc ấy, quá khứ hiện hình ngay trong hiện tại.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.