Hành dân xin chứng tử, sự vô cảm tột cùng của cán bộ!

'Vô cảm tột cùng' cũng không lột tả hết, khi từ ngữ bất lực người ta hay dùng đến từ 'cạn lời' sau khi đọc xong bài Cán bộ phường vô cớ từ chối cấp chứng tử trên Thanh Niên ngày 20.12.

Đúng là cạn lời thật!
Câu chuyện về bà Trần Thị Ngọc Hường, cô ruột của em T.H.Y, một học sinh 12 tuổi bị tai nạn giao thông vô cùng thương tâm, ngày 11.12 đến UBND P.Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên, Bình Dương) để làm thủ tục khai tử cho cháu.
Mặc dù đã có biên bản “giao - nhận nạn nhân” giữa Đội điều tra tổng hợp Công an TX.Tân Uyên và gia đình nạn nhân (có đóng dấu treo của Công an TX.Tân Uyên) và giấy “chuyển xác” của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Bình Dương cùng nhiều giấy tờ liên quan khác nhưng cán bộ tiếp nhận hồ sơ tên Trí và cán bộ tư pháp tên Thông trả lại và nói hồ sơ làm không đúng, biên bản giao nhận nạn nhân không được đóng dấu treo.
Từ đó cho đến ngày 18.12, sau một tuần lên xuống ủy ban, chạy đôn chạy đáo để giấy tờ được đóng mộc không treo thì ông cán bộ tên Trí nói trên cho rằng “Giấy tờ làm tầm bậy tầm bạ. Công an xác nhận nội dung như vậy cũng không đúng, xác nhận tầm bậy”.
Lần này, các cán bộ nói trên yêu cầu gia đình yêu phải đến BVĐK Bình Dương xin giấy xác nhận tử vong có ký tên, đóng dấu.
Thấy quá khó khăn, gia đình bức xúc nói rằng không cần làm giấy chứng tử nữa thì cán bộ thách thức “không làm thì phải tự chịu trách nhiệm”.
Chưa nói đến quy định của pháp luật, (trường hợp chết do TNGT chỉ cần văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của cơ quan pháp y là đủ điều kiện được cấp giấy khai tử) mà các cán bộ phường, kể cả cán bộ tư pháp cũng không hiểu, thì cách ứng xử của các vị này đã thể hiện một thái độ vô trách nhiệm, rất coi thường dân.
Người dân bình thường, trong nhiều trường hợp, không hiểu quy định, huống gì đây là việc “tang gia bối rối”, vậy thì, việc đầu tiên của người cán bộ “ăn cơm dân, mặc áo dân” là phải hướng dẫn cho họ cần phải làm thế này, thế kia... Đằng này, đã không hướng dẫn cụ thể, mỗi lúc lại yêu cầu thêm một loại giấy tờ - đó là hành dân. Lại còn bảo “công an xác nhận tầm bậy”- đó là thái độ hách dịch, ta đây...
Bố mẹ sinh ra một đứa con, chăm bẳm 12 năm, cái chết của con làm họ đau đớn lắm, có thể nói, sự đau đớn khiến họ không còn thiết gì cả. Cầm cái hồ sơ đi xin chứng tử cho con càng đau đớn hơn. Những người cán bộ kia nếu có chút lương tâm thì phải chia sẻ với nỗi đau của họ chứ, sao lại thế kia?
Xin cái giấy chứng tử khác với xin giấy phép kinh doanh, xin chứng thực nhà đất... vì nó liên quan đến cái chết của một con người, liên quan đến nỗi đau đớn, sự tuyệt vọng, cung bậc tình cảm cao nhất của con người, để phân biệt đó là con người. Những người vô cảm trước nỗi đau đó thì phải gọi là gì mới đúng?
Trong thực tế đã xảy ra tình trạng, một vụ tai nạn giao thông trên đường là ranh giới giữa hai phường, hai bên đùn qua đẩy lại không bên nào chịu giải quyết, vì sao? Là vì bệnh thành tích. Nếu đứng ra giải quyết thì phường có thêm một vụ tai nạn trong năm và mất điểm thi đua.
Trường hợp em Y. bị trượt dây cáp viễn thông đang thi công bỏ bừa bãi trên đường, Nên câu hỏi của PV Thanh Niên: “Phải chăng cán bộ của phường từ chối cấp giấy chứng tử vì muốn né tránh trách nhiệm cho đơn vị thi công nên đã không chấp nhận việc xác nhận của Công an TX.Tân Uyên về tình tiết “Y. cán qua dây cáp quang trên đường bị trượt té ngã xuống đường và bị ô tô chạy cùng chiều làm tử vong”? là đã nhìn thấy một góc độ khác, một nguyên nhân khác sâu xa hơn của việc người dân bị hành nói trên.
Còn nhớ, ngày 25.7.2017, chị Vũ Thanh Hoa đăng tải trên trang cá nhân câu chuyện bức xúc về việc UBND P.Văn Miếu (Q.Đống Đa, Hà Nội) gây khó dễ khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng tử cho bố chị.
Câu chuyện đã thu hút sự chú ý của bạn đọc (chưa hết một ngày, bài đăng của chị Hoa nhận được hơn 14.000 bình luận cùng số lượt chia sẻ tương đương) không chỉ vì sự bức xúc của chị Hoa và gia đình mà nhiều bạn đọc bình luận cho rằng, hành trình làm giấy chứng tử: Chuyện như ở P.Văn Miếu không hiếm và kể ra muôn vàn câu chuyện có địa chỉ hẳn hoi. Vậy là nó đã thành... bệnh của phường rồi.
Cán bộ P.Văn Miếu (Hà Nội) không nói thủ tục chưa đủ hoặc sai như P.Tân Phước Khánh (Bình Dương) mà chỉ vì chủ tịch phường bận... đi họp.
Ở thành phố, thị xã, ai cũng biết, khai tử là một khâu rất quan trọng, có nó, các khâu hậu sự tiếp theo mới tiến hành suôn sẻ. Ví như chuyện đất nghĩa trang, chuyện đăng ký giờ vào đài hóa thân...
Việc hiếu, như dân gian thường nói, là “việc trên đầu trên cổ”, vì sao các cán bộ phường không xác định đó là công việc ưu tiên, chủ tịch đi họp thì ủy quyền cho các phó chủ tịch, có thể linh hoạt để trả giấy xác nhận sớm nhất cho thân nhân người quá cố đâu phải là chuyện khó?
Không khó vì sao thành khó? Vì cái bệnh cửa quyền, hách dịch, coi thường dân, vô cảm với nỗi đau của người khác và vô trách nhiệm với công việc và chính cả với bản thân mình.
Trên tất cả là vô đạo đức! Tôi nói không sợ quá lời đâu!
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, hiện sống ở TP.Đà Nẵng
 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.