Lấp liếm ô nhiễm, giấu diếm cộng đồng!

16/10/2019 10:00 GMT+7

Trong vòng gần 2 tháng, hai sự cố ô nhiễm môi trường xảy ra gây nguy hại đến đời sống , sinh hoạt cho người dân Thủ đô Hà Nội.

Đó là vụ cháy nhà xưởng của công ty Rạng Đông vào cuối tháng 8 và trong mấy ngày qua là vụ nước sạch nồng nặc mùi hóa chất được cung cấp cho hàng trăm ngàn hộ gia đình ở nhiều quận huyện. Sự cố về môi trường là điều chẳng ai muốn, nhưng trong cả 2 vụ việc trên xảy ra ngay giữa lòng Thủ đô, đã hiển lộ một điều vô cùng nguy hiểm, là vấn nạn rất bất toàn với người dân: đó là lấp liếm tình trạng ô nhiễm, giấu diếm cộng đồng những điều đáng ra họ phải được biết để phòng ngừa!
Cả 2 vụ, các đơn vị trong cuộc và các cơ quan liên quan đều có thái độ rất đáng lên án, là nói tránh, nói nhẹ đi hoặc đánh trống lảng khi dư luận lên tiếng. Công ty Rạng Đông, UBND Q.Thanh Xuân và Sở TN-MT Hà Nội thì ban đầu nói là không có thủy ngân lỏng mà đã thay thế bằng amalgam khi sản xuất bóng đèn từ năm 2016, nhưng sau khi Tổng cục Môi trường “đấu tranh” và kiểm tra thực tế, thì có đến 480.000 bóng đèn huỳnh quang cháy sử dụng thủy ngân lỏng. Điều đặc biệt đáng lưu ý là công ty Rạng Đông báo cáo có 15 kg thủy ngân được sử dụng, nhưng sau khi Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vào cuộc, đã phát hiện có sự bất thường ở con số nói trên và quy ra lượng thủy ngân nằm trong “vùng hỏa hoạn” lên đến 27 kg, chứ không phải như số lượng công ty này báo cáo. Tiếp đó, Bộ TN-MT cũng đánh giá đây là vụ cháy nổ mất an toàn về hóa chất, nhiều thông số mất an toàn vượt ngưỡng cho phép, gây nguy cơ với môi trường, với sức khỏe con người. Sau khi các cơ quan liên quan lên tiếng, người dân phản ứng quyết liệt, thậm chí nhiều hộ gia đình phải bỏ nhà đi nơi khác sống và công luận kịch liệt lên án vì cái sự lấp liếm ấy, công ty Rạng Đông mới phát đi lời xin lỗi cộng đồng!
Tiếp đến, vụ đổ xả dầu bẩn loang ra với khối lượng hàng tấn đầu nguồn nước nguyên liệu của Nhà máy nước sạch Sông Đà (H.Kỳ Sơn, Hòa Bình) từ ngày 9.10, gây ra ô nhiễm cho nguồn nước sạch cung cấp cho người dân Hà Nội, Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cũng đã “sử dụng chiêu bài lấp liếm” bằng cách âm thầm tăng lượng hóa chất xử lý. Khi người dân phát hiện nồng nặc mùi hóa chất trong nguồn nước và phản ứng quyết liệt trên diện rộng, thì ông tổng giám đốc của Viwasupco lại nói gọn lỏn: “Tôi nghĩ là mùi clo thôi” (Báo Thanh Niên ngày 15.10) và cho rằng chất lượng nước nội kiểm của công ty đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế (?!).
Người viết chưa đề cập đến vấn đề chất lượng nguồn nước cung cấp cho người dân ra sao và động thái xử lý của các cơ quan liên quan như thế nào, vì phải đợi kết quả kiểm nghiệm và sự lên tiếng về sự cố này. Nhưng cái cách mà Viwasupco tìm cách thuê hàng chục người dân vớt váng dầu ở các con suối đầu nguồn trả tiền công theo ngày, mà nói là đi “dọn cỏ, phát quang quanh suối”, rồi sau đó vội vàng biện minh theo kiểu như “không có vấn đề gì”, giữa lúc dư luận đang “phát sốt” và trong lúc Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình đang xét nghiệm mẫu nước, thì dư luận cho rằng công ty này đang cố tình lấp liếm một sự cố môi trường, cũng không có gì là nặng!
Khi sự cố môi trường xảy ra, phải phát đi cảnh báo cho người dân trong vùng ảnh hưởng biết để phòng ngừa hoặc tránh đi, là một cách hành xử văn minh, chuyên nghiệp. Với hai trường hợp đã dẫn ra ở trên, rất đáng phê phán và thiết nghĩ nếu phát hiện ra việc cố tình giấu diếm, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm minh, để không còn tình trạng như vậy xảy ra sau này nữa.
Phải đặt an toàn và sức khỏe cho người dân lên trên hết, đó là tiêu chí mà bất cứ xã hội tiến bộ nào cũng rất cần lưu ý!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.