Nhưng để có niềm tin ấy, không có gì thay được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cần luôn luôn nhất quán; đời sống giá cả ổn định, chính trị ổn định, kinh tế đất nước mỗi ngày một tăng trưởng tích cực... Nếu không, dễ gì dân chịu "cầm vàng thật" mà đi đổi... "vàng giấy"!
Chính phủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động toàn dân quyên góp Tuần lễ vàng sau ngày đất nước giành độc lập năm 1945 có lẽ là bằng chứng cho câu chuyện niềm tin đó. Đồng bào ta ủng hộ không hoàn lại và rất nhiệt thành bởi tình yêu đất nước, mong muốn khát khao có được độc lập tự do thì những thực tế đó cũng đã đến với mọi người dân và người ta thấy mãn nguyện. Trường hợp gia đình tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô ở 48 Hàng Ngang - Hà Nội, ngoài đóng góp 117 lượng vàng ngày đó, trong suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp, ông bà Trịnh Văn Bô đã đóng góp cả thảy 5.147 lượng. Nay chỉ nghe kể lại cũng mấy ai hình dung nổi, không khác gì trong chuyện cổ tích.
Tương tự như vậy, trong những năm chiến đấu để thống nhất đất nước, hàng triệu cán bộ, chiến sĩ và hàng triệu tấn quân lương, vũ khí được chuyển vào mặt trận miền Nam. Phong trào "Xe chưa qua, nhà không tiếc!" đã được người dân Khu 4 vốn chẳng sung túc gì mà vẫn hăng hái đóng góp. Họ vô tư mang cả thành giường, cả tấm phản và cả những tấm ván để phòng xa khi gia đình có người nằm xuống ra làm đường cho xe bộ đội qua làng, không hề tiếc...
Ngoại xâm đe dọa Tổ quốc thì có thể khơi dậy sự hy sinh hết mình như vậy. Còn thời bình, điều này khó hơn.
Để xây dựng và phát triển kinh tế nhanh, phải có nguồn lực dồi dào. Vay quốc tế cũng không phải Chính phủ cứ vay mãi mà được. Vì thế, nếu biết huy động vốn trong dân (ngoại tệ, vàng) sẽ vô cùng quý giá.
Theo thông tin báo chí, căn cứ vào con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng thế giới công bố dựa trên số liệu nhập vàng của Việt Nam thời gian qua thì lượng vàng dân đang nắm giữ này khoảng 500 tấn (13,3 triệu lượng), tương đương 20 tỉ USD.
Đây quả là nguồn tài chính khá lớn cần cho nền kinh tế, trong bối cảnh việc huy động vốn của các ngân hàng đang gặp khó, 70% doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn tín dụng từ các ngân hàng.
Cũng trả lời trên báo chí, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng nói rằng, với khối lượng vàng khá lớn đang nằm đâu đó trong dân, nên có hình thức đưa nó vào quay vòng để sản xuất kinh doanh. Tôi thấy ông nói đúng, nên làm, tuy không dễ. Ông Lực đề xuất phương án phát hành chứng chỉ vàng, nhưng không trả lãi suất. Với chứng chỉ này, người dân được phép cầm cố, thế chấp để đi vay vốn. Rõ ràng nó sẽ năng động hơn, linh hoạt hơn so với phương án để trong nhà. Làm như vậy không tăng vàng hoá bởi huy động, nhưng không có lãi suất, người dân gửi vàng không được tiền và ngân hàng cũng không phải trả phí.
“Chúng ta không dùng mọi cách để “moi” vàng của người dân mà là khuyến khích luân chuyển để vàng không bị tồn. Một số quốc gia đã làm và thành công như Ấn Độ. Tuy nhiên cần có quá trình nghiên cứu, xem xét và cần thời điểm thích hợp”, TS Cấn Văn Lực nói.
Giải pháp thực ra không thiếu, nhưng quả thật để huy động được vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân vẫn phải quay về câu chuyện niềm tin. Để tạo được lòng tin trong dân chúng, những người đang còn phân vân góp vốn, thì việc chi tiêu từ nguồn vốn này cần phải thật sự minh bạch, cần chắt chiu tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, chống mọi biểu hiện tham ô, tham nhũng tại các dự án dùng vốn này. Chỉ khi nào chúng ta làm tốt những việc này, việc huy động vàng, ngoại tệ trong dân khi đó mới có thể có bước chuyển tích cực.
Bình luận (0)