Rằm tháng 7, hiểu sao về 'cô hồn' và chữ hiếu?

10/08/2014 17:45 GMT+7

(TNO) Mạng xã hội Facebook trong tuần lễ qua tràn ngập thông tin nói về ngày lễ Vu Lan: rằm tháng 7 (tức chủ nhật 10.8) với nhiều hình ảnh, lời chúc… mang ý nghĩa nhắc nhở công ơn sinh thành của mẹ. Hầu như không thấy ai nhắc đến người cha.


Một mâm cúng rằm tháng 7 của đồng bào Việt kiều tại Thái Lan - Ảnh: Minh Quang

Tháng 7 âm lịch cũng "bị xem" là tháng "cô hồn", ám chỉ vong linh người đã khuất mà không có tên tuổi, không có nơi nương tựa do thiếu người thân cầu siêu. Nhiều mâm cúng "cô hồn" đã được bày ra, mong "cô hồn" đừng quấy nhiễu việc làm ăn…

Cúng "cô hồn" xin đừng thể hiện bằng mâm cúng!

Những gia đình có cơ sở làm ăn hoặc các công ty, doanh nghiệp luôn tổ chức cúng "cô hồn" trong tháng 7 âm lịch, mâm cỗ lớn nhỏ tùy theo khả năng… Nhưng chán nhất là cảnh tranh cướp mâm cúng sau khi cúng. Nhìn cảnh đó, không biết ai bày ra lệ này? Những vong linh khuất mặt khuất mày, nhưng còn lảng vảng quanh đây vì chưa siêu thoát, không biết có kịp hưởng chút gì khi chứng kiến những người còn sống tranh cướp mâm cúng của họ?

Thiết nghĩ, việc nhớ đến những vong linh không nơi nương tựa là điều tốt, nhưng nếu có lòng thành thì chỉ nên thắp nén nhang và mua hoa tươi tưởng nhớ, cầu mong họ sớm được siêu thoát, đừng làm những mâm cỗ như kiểu "hối lộ" mong vong linh người đã khuất không quấy phá và luôn phù hộ cho việc làm ăn của mình. Bởi thực sự, vong linh người đã khuất không đáng sợ bằng những người còn sống.

Thì hãy nhìn xem, trên thực tế có thấy "cô hồn" làm hại ai đâu mà chỉ thấy con người làm hại chính con người: môi trường ngày càng bị tàn phá, xã hội ngày càng xảy ra những vụ giết người và đâm chém nhau… mà không phải với lý do để tự vệ.

Hiếu là cách sống với cha mẹ, người thân và cách sống với mọi người

Trong tháng 7 âm lịch, các chùa chiền luôn đông nghẹt người đến thắp nhang cầu nguyện cho người còn sống hoặc cầu siêu cho người thân đã mất.


 Tục lệ "Bông hồng cài áo" trong lễ Vu Lan báo hiếu - Ảnh: Diễm Út

Không biết ai đã bày ra tục lệ cài bông hồng đỏ cho người còn mẹ, cài bông hồng trắng cho người mất mẹ? Còn người cha thì ở đâu trong ngày lễ Vu Lan, tôi luôn tự hỏi như vậy? Dẫu biết rằng công ơn sinh thành và dưỡng dục của người mẹ vô cùng to lớn, nhưng một đứa trẻ không thể hạnh phúc và tự tin nếu thiếu sự quan tâm của người cha. Với không ít người, tầm ảnh hưởng của người cha có khi bao trùm cả cuộc đời, giúp họ thành công trong sự nghiệp và có nhân cách tử tế. Vì thế, không nên chỉ bàn đến việc báo hiếu mẹ trong ngày lễ Vu Lan mà quên đi người cha. Bên cạnh đó, báo hiếu không chỉ nằm trong nghĩa cầu siêu cho cha mẹ đã khuất và mua quà tặng cho cha mẹ đang còn sống mà phải thể hiện bằng cách sống của từng người trong cuộc đời này.

Trong thời gian qua, đọc thông tin trên báo chí về những tội phạm như Nguyễn Đức Nghĩa (Hải Phòng) và Nguyễn Mạnh Tường (Hà Nội) tôi vẫn thường xót thương cho cha mẹ của họ. Cha của Nghĩa đã chết thảm vì tai nạn giao thông sau khi con trai vào tù, mẹ của Nghĩa đã phải bỏ nhà đi sống âm thầm lặng lẽ ở nơi khác; còn cha mẹ của Nguyễn Mạnh Tường? Bà Trần Thị Nguyệt, mẹ của Nguyễn Mạnh Tường, đã thú nhận không đêm nào bà ngủ yên giấc khi nhớ đến cái chết của chị Huyền ở phòng mạch của con trai bà.

Với những kẻ phạm tội ác tày đình như Nghĩa và Tường, người đời thường đặt câu hỏi về cách giáo dục của cha mẹ và cách sống của gia đình. Thật là đau xót cho cha mẹ của họ.

Vì thế, cách báo hiếu cha mẹ tốt nhất chính là cách sống hàng ngày của người con đối với gia đình, đối với mọi người xung quanh. Không chỉ sống tử tế với người thân, một CON NGƯỜI đúng nghĩa còn phải biết sống tử tế với những người xung quanh. Và có lẽ khi đã làm cha mẹ thì không có phần thưởng nào xứng đáng hơn là việc con trở thành người có nhân cách và biết sống tử tế.

Nguyễn Thị Mơ (*)

(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của một nữ giáo viên đang sinh sống và làm việc tại Tây Ninh

>> Phát ấn đền Trần từ 7 giờ ngày rằm tháng giêng
>> Tour mới: Du lịch vào ngày rằm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.