Vấn nạn 'tiểu đường'

14/08/2018 11:47 GMT+7

Vườn hoa Q.1 (TP.HCM), cầu vượt ở Hà Nội, vỉa hè khu dân cư khá sang ở Hạ Long… đâu đâu cũng có người tiểu bậy . 'Tiểu đường' đang trở thành vấn nạn.

Tôi vừa khởi đầu một ngày mới khá lạc quan, theo lộ trình đã sắp xếp từ trước, chiếc xe máy sẽ lăn bánh từ đường Hưng Phú tới đường Trần Hưng Đạo (TP.HCM).
Đang mải suy nghĩ mình sẽ ăn sáng món gì, thì tôi bỗng khựng lại khi bắt gặp một người đàn ông đang “gửi tình yêu vào đất”, ngay trên đường dẫn lên cầu chữ Y. Đường cũng khá là đông rồi, nhưng ông vẫn khá thản nhiên và không hề có dấu hiệu e thẹn khi làm một việc đáng lẽ phải được giải quyết trong phòng kín. Thế là một buổi sáng tươi đẹp của tôi tan vỡ!
Nhiều lần khác, tôi gặp người ta đứng tè bậy ở vườn hoa 23.9, công viên Tao Đàn, đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) và nhiều nhiều con đường nữa, thật sự không nhớ nổi.
Có duy nhất một lần tôi thấy một cô gái, trên người không mảnh vải che thân (có lẽ có vấn đề về tâm thần, sức khỏe) đứng tiểu bậy ở khu công viên Lê Văn Tám. Còn lại tất cả những người khác đều ra dáng khỏe mạnh, bình ổn về tâm lý, nhận thức, khi mà căn cứ vào bộ đồ họ mặc, chiếc xe họ đang chạy hay cả chiếc túi họ đang khoác trên vai.
Bầu chọn
Theo bạn, nạn tiểu bậy xuất phát từ
Tôi từng có gần 10 năm sống ở Hà Nội, ám ảnh nhất trong tôi vẫn là con đường Trần Quang Khải, nằm ngay ở Q.Hoàn Kiếm trung tâm TP. Đi qua lại con đường này, vào bất cứ lúc nào trong ngày, không chỉ tờ mờ sáng hay đã tối khuya, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những người tiểu bậy: Anh tài xế taxi với áo sơ mi trắng, quần tây và caravat; bác chạy xe ôm; chú đạp xích lô; cô gánh cam từ chợ Long Biên; bà bán nước chè…
Tôi không biết, bây giờ thì những nhà vệ sinh công cộng được TP.Hà Nội xây mới theo đề án 100 nhà vệ sinh khắp TP năm 2017 đã được mở cửa hoạt động tươm tất hay chưa. Nhưng trong ký ức, tôi vẫn chưa hết kinh hãi khi có dịp chứng kiến những vũng nước và chất thải hôi thối, nhầy nhụa, lênh láng trước cửa một cái nhà vệ sinh màu xanh lá cây, đã xây xong nhưng khóa kín cửa, vì nghe đâu không có nước để hoạt động.
Nhiều người bạn nước ngoài của tôi sang Việt Nam và rất thắc mắc “Tại sao chúng tao hôn nhau thì có thể ở chỗ đông người, nhưng đi vệ sinh thì phải vào chỗ kín và được phép, thì ở đây người ta cứ thản nhiên đi “tè” trước mặt người khác nhỉ?”. Tôi cũng không biết trả lời làm sao.
Nếu quy kết những người từng tiểu bậy là ý thức kém, chắc chắn tôi sẽ bị “bật” lại ngay, đó là không “tè đường” thì “tè” ở đâu, chẳng lẽ "nhịn", khi mà nhà vệ sinh công cộng vừa ít, vừa hôi, lại vừa phải trả tiền như rất nhiều nơi?
Thú thật, sống ở Sài Gòn đã lâu, tôi ít có dịp được trông thấy những nhà vệ sinh công cộng nào sáng sủa, thơm tho. Còn ở Hà Nội, trừ nguy cơ “tào tháo rượt” còn lại chắc tôi không bao giờ dám đặt chân vào nhiều nhà vệ sinh công cộng khu chợ Trời (phố Huế), hay đường Trần Nhân Tông, đường Lý Thái Tổ, mỗi lần vào bạn sẽ phải mất 2.000 đồng, bạn phải nhón chân đi khe khẽ và đeo khẩu trang thật kín để tránh những mùi hôi không ưng mũi.
Chồng tôi đi du lịch Úc một tuần về, tôi hỏi ấn tượng nhất trong chuyến đi là gì. Chồng bảo, là thùng đựng rác và nhà vệ sinh công cộng. Thùng rác để trên đường phố nhiều hơn cả rác. Biển chỉ dẫn tới những nhà vệ sinh công cộng dễ nhìn và hiện đại như ở trong sân bay. Còn trong các nhà vệ sinh công cộng hoàn toàn miễn phí ấy, vừa hiện đại, vừa thơm mát như các khách sạn 5 sao vậy. Tôi nghe mà chạnh lòng. Tôi nhớ đến con đường Trần Hưng Đạo với những hàng cây cổ thụ tuyệt đẹp của tôi, khi mà mỗi chiều xao xác gió bay có thể thấy những quả chò bay tá lả, thế mà dưới gốc cây, rác rưởi vẫn bị quăng tứ lung tung cạnh thùng rác. Người đi đường nếu “mót” quá cứ chạy tới lề đường mà “tè”…
Ngày 7.8 vừa qua UBND Q.1, TP.HCM đã có văn bản gửi Công an, phòng văn hóa - thông tin quận, UBND 10 phường trên địa bàn liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị. Trong đó, đáng lưu ý, từ sau 15.8, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, xử phạt cao nhất các đối tượng có hành vi tiểu bậy, phóng uế bừa bãi nơi công cộng; đồng thời, yêu cầu người vi phạm phải dọn và rửa sạch khu vực bị phóng uế…
Trước đó, tôi cũng nghe đến Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1.2.2017, hành vi tiểu bậy nơi công cộng có mức phạt rất nặng, từ 1 - 3 triệu đồng, mức phạt trước đó cao nhất chỉ 200.000 đồng, nếu tái phạm cũng chỉ 300.000 đồng. Thế nhưng, nếu chỉ biết phạt, nhưng không lo đến chuyện gốc rễ là chuyện cái nhà vệ sinh công cộng, thì e là khó mà có vùng cấm nào cho tiểu bậy đã trở thành vấn nạn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.