Tokyo e ngại Trung Quốc muốn dùng bộ quy tắc ứng xử loại Mỹ, Nhật ra khỏi Biển Đông

28/11/2019 17:43 GMT+7

Trung Quốc đã thay đổi chiến thuật về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) nhằm mở đường loại các đối thủ như Mỹ và Nhật Bản ra khỏi vùng biển này, theo báo Nikkei Asian Review hôm 28.11.

Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông lúc đầu được đề nghị nhằm ngăn chặn khả năng bành trướng trên biển của Trung Quốc, nhưng dự thảo giờ đây có những ngôn từ có thể cản trở Mỹ và Nhật Bản tham gia các hoạt động quân sự trên biển ở Đông Nam Á, theo Nikkei Asian Review dẫn thông tin chính phủ Nhật có được. Theo đó, Mỹ và Nhật có thể bị yêu cầu phải có được sự chấp thuận của Trung Quốc mới được tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung với các nước ASEAN.
“Mục tiêu của Trung Quốc là trói buộc ASEAN vào những quy định có lợi cho Bắc Kinh và loại bỏ hoặc hạn chế ảnh hưởng từ bên ngoài về Biển Đông”, một quan chức Nhật cảnh báo.
Cũng theo chính phủ Nhật, dự thảo COC không nói rõ liệu bộ quy tắc này có tính ràng buộc pháp lý hay không và không cung cấp chi tiết về bất kỳ cơ chế nào nhằm ngăn chặn các tranh chấp. Dự thảo cũng đề xuất các quốc gia thành viên cấm phát triển hàng hải và diễn tập quận sự chung với các công ty và quốc gia bên ngoài khu vực.

[VIDEO] Tàu sân bay Mỹ diễn tập ở biển Đông

 
Hồi năm 2002, Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tài liệu này tái khẳng định pháp quyền và quyền đi lại ở Biển Đông, nhưng không mang tính ràng buộc pháp lý. Do đó, Mỹ và Nhật hy vọng COC sẽ mang tính ràng buộc pháp lý.
Trung Quốc bị gây sức ép đàm phán COC sau khi tòa trọng tài quốc ra phán quyết ngày 12.6.2016 bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi lý của nước này ở Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh giờ đây muốn biến COC thành công cụ ngoại giao nhằm ngăn chặn Mỹ và Nhật Bản can thiệp vào Biển Đông, theo Nikkei Asian Review.
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Đông Á diễn ra ở Thái Lan hôm 4.11, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nhấn mạnh Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông “nên phù hợp với luật pháp quốc tế và không làm tổn hại các quyền hợp pháp cũng như lợi ích của tất cả các bên”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.