|
Theo ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tiền Hải, tôm chết từ ngày 8.5; đến nay diện tích ao đầm có tôm chết đã lên đến 37 ha, số lượng khoảng 10 triệu con.
Ông Vang cũng cho biết, cơ quan chức năng xác định tôm chết là do bệnh đốm trắng. Việc tôm chết lây lan, một phần do ao nuôi của người dân chưa đúng chuẩn nuôi tôm công nghiệp.
Tại xã Thái Đô, H.Thái Thụy cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Phạm Trọng Bài, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Thái Đô cho biết, đến nay đã 68 hộ có tôm chết do mắc bệnh đốm trắng. Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thái Bình, tình trạng tôm chết phát sinh từ ngày 4.5 và đã phát triển rộng ở 451 ao nuôi tôm (gồm 115 ao nuôi tôm thẻ chân trắng và 336 ao nuôi tôm sú) của 271 hộ dân Thái Thụy và Tiền Hải, với tổng diện tích hơn 65 ha. Nguyên nhân cũng được cho là do tôm bị mắc bệnh đốm trắng.
Do ô nhiễm nước thải?
Thừa nhận nguyên nhân trực tiếp làm tôm chết là do dịch bệnh, nhưng người dân cho rằng, còn có nguyên nhân từ nguồn nước ô nhiễm. Anh Nguyễn Xuân Hòe (xã Nam Cường, H.Tiền Hải) có 2 ao tôm chết với tổng diện tích gần 1 ha phản ánh: "Các năm trước nuôi tôm rất nhàn. Năm nay, nguồn nước thải ở các nhà máy quanh đây đổ ra, khiến xã Nam Cường có đến 90% số đầm bị chết tôm”. Anh Nguyễn Trọng Phú, một chủ đầm tôm khác ở Nam Cường cũng cho rằng, các trại lợn ở ven biển đã xả thải thẳng ra môi trường, khiến nguồn nước bị ô nhiễm nặng, ảnh hưởng tới các ao tôm trên địa bàn.
Tại xã Thái Đô, H.Thái Thụy, người dân cũng cho rằng tôm chết có nguyên nhân của nguồn nước đổ ra biển tại cống Trà Linh, nơi tiếp nhận nhiều nguồn xả thải từ các nhà máy, xí nghiệp. Các hộ nuôi tôm, thủy hải sản ven biển ở Thái Bình đã đề nghị, chính quyền và các cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp ngăn chặn các yếu tố gây ô nhiễm nguồn nước, hạn chế tối đa xâm hại, gây bệnh cho tôm…
Chiều 25.5, trao đổi với PV Thanh Niên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Thái Bình, ông Nguyễn Văn Đức cho rằng, nhận định trên của người dân là không chính xác. “Nước nuôi tôm lấy theo chỉ đạo, không thể ào ào, không thể xảy ra việc lấy nước ô nhiễm làm tôm chết”, ông Đức nói. Ông Phạm Văn Dụng - Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cũng khẳng định, chưa từng xảy ra hiện tượng tôm chết vì ô nhiễm. Tuy nhiên, ông Dụng cho biết, sẽ giao cho đơn vị chức năng kiểm tra, có trả lời rõ ràng về vấn đề này đến các hộ nuôi tôm.
Ông Nguyễn Hồng Diên - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình thông tin, sẽ giao cho Sở TN-MT kiểm tra việc ô nhiễm nguồn nước do người dân phản ánh.
Bình luận (0)