Tôm hùm đất đông lạnh có được nhập khẩu?

12/06/2019 13:12 GMT+7

Đó là nội dung vừa được Tổng cục Hải quan đề nghị hai Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ.

Loại sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, trong đó có loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) hay còn gọi là tôm hùm đất, tôm càng đỏ... có bao gồm cả trường hợp đông lạnh, sơ chế hay không?
Cụ thể, theo Tổng cục Hải quan, tại khoản 1 Điều 50 luật Đa dạng sinh học năm 2008 thì “loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại”. Còn tại khoản 7 Điều 7 của luật này quy định những hành vi nghiêm cấm về đa dạng sinh học, trong đó có bao gồm hành vi “nhập khẩu, phát triển loài ngoại lai xâm hại”.
Nhằm mục đích ngăn chặn và quản lý tốt việc nhập khẩu loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại, cơ quan hải quan đề nghị hai Bộ trên nói rõ Danh mục loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại kèm Thông tư 35/2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường có loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) bao gồm đang sống hay cả loại ướp lạnh, đông lạnh, sơ chế…
Theo quan điểm của Tổng cục Hải quan, với loài tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkia), căn cứ tiêu chí xác định loài “ngoại lai xâm hại” và “loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại” của Thông tư 35 thì loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ bao gồm mặt hàng tôm ở thể sống, không bao gồm tôm đông lạnh, tôm đã sơ chế.
Thực tế, theo Nghị định 26/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Thủy sản, tại phụ lục VII ban hành kèm theo, loài tôm hùm nước ngọt nói trên không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Thế nên, việc nhập khẩu, phát triển, kinh doanh loài này trái quy định pháp luật về đa dạng sinh học và thủy sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.