Tốn 100 triệu mua filler rồi nhờ người tiêm, người phụ nữ bị hoại tử mông

24/07/2023 04:35 GMT+7

Bệnh nhân N.D.T (42 tuổi, ngụ TP.HCM) tốn 100 triệu đồng mua filler rồi nhờ người quen tiêm vào mông. Sau đó mông bị hoại tử, chị tốn thêm 70 triệu để nạo hút áp xe nhưng bị lừa, tiền mất còn mông thì sưng đau, viêm nhiễm nặng.

Ngày 23.7, tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện JW, cho biết tại thời điểm nhập viện tối 21.7, ổ viêm nhiễm xuất hiện cả hai bên mông bệnh nhân khu trú và xâm lấn xung quanh, xâm lấn tới cả bờ mông sau. Mông bệnh nhân bị sưng phồng, nhiều vùng vón cục lồi lõm. Miệng vết khâu của các lần nạo filler trước đó vẫn còn rò rỉ dịch mủ.

Tai hại vì tiêm ‘filler châu Âu’ làm đẹp mông, bị áp xe phải mổ 3 lần

"Tiền mất tật mang" do tự mua filler tiêm vào mông

Chị T. cho biết đã bỏ hơn 100 triệu đồng để nhờ người thân mua 700cc "filler châu Âu" tiêm vào mông, tạo bờ mông quả đào gợi cảm thay vì phải đến bệnh viện thẩm mỹ lớn để làm.

Chị tiêm filler mông trong 2 lần. Lần đầu, chị tiêm tại nhà riêng của một người quen (không phải bác sĩ hay nhân viên y tế) với 300cc filler "châu Âu" vào mông. Chín tháng sau chị T. lại đến nhà người quen để dặm thêm 400cc filler cùng loại vào vòng 3 với mong muốn cặp mông quả đào thêm căng tròn.

Chỉ 3 ngày sau đó, chị T. lên cơn sốt cao, cặp mông bỗng dưng sưng phù, đau nhức dữ dội. Không thể cầm cự trong suốt 10 ngày liên tục nên chị T. đã đến 1 trạm y tế cấp cứu xử lý nạo áp xe.

Tuy nhiên, vài tháng sau đó khối áp xe lại tiếp tục tái phát, đau nhức liên tục nhiều ngày nên chị T. đã quyết định tìm đến một thẩm mỹ viện tại TP.HCM để chữa trị. Tại đây, chị T. được tư vấn nạo hút áp xe kết hợp đặt túi độn mông tái tạo lại vòng 3 với giá 70 triệu đồng.

"Bị hành hạ suốt 3 tháng vì cặp mông đau nhức, sưng to và chỉ có thể nằm sấp, nên sau khi được người quen giới thiệu một thạc sĩ thẩm mỹ có tiếng trên địa bàn TP.HCM có thể giúp tôi chữa trị và lấy làm lại vòng ba bằng cách đặt túi nâng mông, tôi đã quyết định chuyển khoản cho bác sĩ đó 70 triệu làm tiền cọc", chị T kể lại.

Sau nhiều lần nhắn tin, hối thúc bác sĩ khẩn trương phẫu thuật cho mình thì cuối cùng bác sĩ đó đã hẹn chị tới phòng khám để tiến hành phẫu thuật.

Tại đây, chị T. được bác sĩ rạch 3 đường mổ dài 15cm trên hai bên mông để nạo hút dịch mủ. Tổng chi phí chị T. phải thanh toán cho bác sĩ này là 70 triệu để điều trị áp xe và đặt túi mông. Tuy nhiên, chị T không được đặt túi mông và nghiêm trọng nhất là tình trạng áp xe mông vẫn không hoàn toàn khỏi mà vẫn còn đau nhức liên tục.

 Mua 'filler xịn' nhờ người tiêm, người phụ nữ bị hoại tử mông, ăn mòn xương đùi - Ảnh 1.

Gần 1000cc gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định được hút ra khỏi người bệnh nhân

SƯƠNG NGUYỄN


Mông hoại tử, ăn mòn tận xương đùi, xương cùng cụt

Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng internet, chị T. đến Bệnh viện JW để thăm khám. Qua khai thác bệnh sử và chẩn đoán chụp cộng hưởng từ MRI, bác sĩ Tú Dung cho biết, ổ viêm nhiễm xuất hiện cả hai bên mông bệnh nhân khu trú và xâm lấn xung quanh, xâm lấn tới cả bờ mông sau. Mặc dù bệnh nhân đã được nạo áp xe hai lần nhưng do filler đã len lỏi sâu vào các mô cơ ở khắp nơi, nên bên trong mông vẫn còn tàn dư filler, khiến mông hiện tại bị sưng phồng, nhiều vùng vón cục lồi lõm. Miệng vết khâu của các lần nạo filler trước đó vẫn còn rò rỉ dịch mủ

Lập tức, bác sĩ Tú Dung chỉ định ê kíp phải thực hiện mổ khẩn tránh để filler tiếp tục lan rộng hay tắc nghẽn mạch máu. Lúc đó tình trạng sẽ nghiêm trọng hơn, khó lòng cứu vãn.

Suốt 3 giờ đồng hồ, ê kíp đã thực hiện ca phẫu thuật nạo filler để cứu chữa vòng 3 cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật gặp nhiều thách thức vì filler dường như đã khu trú khắp nơi trong mông, tạo thành cấu trúc tổ ong cực kỳ khó nạo hút, ăn đến tận xương đùi và xương cùng cụt buộc ê kíp phải thực hiện xử lý từng khu vực để nạo hút toàn bộ khối áp xe. Máu lẫn dịch mủ liên tục tuôn trào ào ạt.

Trải qua quá trình cấp cứu, ê kíp thu về tới gần 1000cc gồm filler, dịch mủ, mô hoại tử và nhiều tạp chất không xác định. Bệnh nhân sẽ được điều trị tích cực bằng kháng sinh mạch và đặt máy VAC chuyên dụng để hút dịch và mô hoại tử từ 7-10 ngày để giải quyết tình trạng áp xe triệt để.

Đừng để tàn phế vì tiêm filler làm đẹp

Hoạt động "thẩm mỹ chui" đang ngày càng tinh vi và hỗn loạn. TP.HCM có hơn 7.000 cơ sở cung ứng dịch vụ thẩm mỹ. Nhưng chỉ có gần 600 cơ sở do Bộ và Sở Y tế cấp phép, chiếm chưa đến 15%. Còn lại 85% do quận, huyện, TP.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho biết như trên tại phiên thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố khóa X, chiều 11.7.

Thời gian qua, liên tiếp nhiều trường hợp biến chứng thương tâm do tiêm filler làm đẹp. Cuối tháng 6, một người phụ nữ tử vong sau tiêm filler ngực tại quận 10 (TP.HCM) và mới đây một thanh niên 21 tuổi, tiêm filler nâng mũi phong thủy tại cơ sở bán xôi và bánh mì TP.HCM sau đó gặp tình trạng đau đầu kèm nôn ói, đau mắt phải, nhìn mờ.

Bác sĩ Dung cho biết, filler bản chất là hyaluronic acid, chất làm đầy được sử dụng trong làm đẹp. Tuy nhiên, khi tiêm filler phải cực kỳ lưu ý phải tiêm đúng loại filler chất lượng được cấp phép không thể tiêm một lượng quá nhiều, Bộ Y tế quy định người tiêm chất làm đầy bắt buộc phải là bác sĩ da liễu hoặc tạo hình thẩm mỹ, được đào tạo chính quy. Cơ sở thực hiện cũng phải được cấp phép chứng nhận. Đặc biệt, tuyệt đối không nên tiêm filler để nâng ngực hoặc nâng mông vì có thể gây ra nhiều tình trạng thương tâm. Cần ưu tiên lựa chọn những phương pháp an toàn hơn như cấy mỡ hoặc đặt túi.

"Chưa bao giờ số lượng bệnh nhân bị hoại tử vì tiêm filler ở các cơ sở thẩm mỹ chui lại nhiều như hiện nay. Trong thời gian ngắn, Bệnh viện JW đã liên tục cấp cứu nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau tiêm filler làm đẹp, con số này đã tăng đến mức đáng báo động", tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Phan Tú Dung chia sẻ.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.