Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ về ngành hàng lúa gạo, tồn kho cuối kỳ toàn cầu niên vụ 2023/24 dự kiến ở mức 167,2 triệu tấn. Llượng tồn kho này thấp hơn 9,2 triệu tấn so với một năm trước và là nhỏ nhất trong 6 năm. Mức giảm tồn kho được ghi nhận ở các quốc gia như Trung Quốc, Nigeria, Pakistan, Philippines và cả Mỹ.
Đáng chú ý, kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm 6,4 triệu tấn tương đương 5%, xuống còn 101,4 triệu tấn. Bên cạnh đó, nước đông dân nhất thế giới và cũng là nơi có kho dự trữ lớn thứ 2 là Ấn Độ lượng tồn kho giảm 6% xuống chỉ còn 33 triệu tấn. Đây là 2 kho dự trữ gạo lớn nhất thế giới với hơn 80% lượng tồn kho toàn cầu.
Trong khi lượng gạo tồn kho giảm mạnh thì nguồn cung gạo chỉ tăng nhẹ 0,7 triệu tấn, đạt con số 690 triệu tấn, thấp hơn đến 6,2 triệu tấn so với năm trước và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm.
Trong khi đó, truyền thông quốc tế dẫn nguồn từ các quan chức chính phủ cho biết niên vụ 2023/24 sản lượng gạo của Ấn Độ có thể giảm lần đầu tiên sau 8 năm, dự kiến sẽ giảm 1,4% xuống còn 123,8 triệu tấn. Sản lượng thấp, chính sách hạn chế xuất khẩu sẽ kéo dài và tạo cơ hội cho những nước xuất khẩu chủ chốt khác bao gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Đối với nhu cầu nhập khẩu gạo, thế giới hiện chú ý tới thị trường Indonesia. Dự kiến, sản lượng gạo trong niên vụ thu hoạch tháng 1 - 4.2024 sẽ giảm 17,5%. Nguồn cung thiếu hụt đẩy giá gạo nội địa của nước này tăng mạnh kéo theo tỷ lệ lạm phát tăng trong tháng 2 lên 2,75% so với mức 2,57% trong tháng 1. Dự báo tỷ lệ lạm phát của nước này sẽ tiếp tục tăng lên 2,9% vì tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo bắt đầu vào tháng 3 và sẽ kéo dài sang tháng 4. Để kiềm chế lạm phát, Indonesia đang lên kế hoạch tiếp tục mở thầu từ 300.000 - 500.000 tấn gạo trong tháng 3.2024.
Nhìn cục diện trên, cơ hội cho gạo Việt Nam cả về lượng lẫn giá trong năm nay là rất lớn.
Bình luận (0)