Để gắn kết một gia đình bền vững, bên cạnh tình yêu thương là sợi dây cốt lõi, luôn cần có sự tôn trọng giá trị và quyền sống của mỗi thành viên. Điều này không phải bây giờ mới được nhìn nhận, mà từ đầu thế kỷ 20 cha ông ta đã đề cập.
Trong gia đình gồm nhiều thế hệ, việc lắng nghe, chia sẻ và tôn trọng quan điểm cá nhân sẽ giúp gắn kết gia đình bền vững - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Nhà văn bản học Lại Nguyên Ân khảo sát báo chí quốc ngữ và cho rằng đầu thế kỷ 20 ở VN đã có xu hướng tôn vinh các giá trị gia đình mới bên cạnh giá trị truyền thống. Thanh Niên phỏng vấn ông xung quanh nội dung khảo sát về gia đình.
* Những bài báo quốc ngữ đầu thế kỷ 20 mà ông khảo sát văn bản có hướng dẫn cụ thể làm thế nào để tạo kết nối giữa các thành viên gia đình không, thưa ông?
- Theo tôi, vấn đề này không được đề cập chi tiết quá. Thực ra thì trước hết người ta theo luân lý Nho giáo nên chủ yếu theo cách con phải nghe lời bố mẹ. Các thế hệ trước có quyền quyết định các việc của thế hệ sau, thế hệ sau phải theo lời thế hệ trước. Đại khái họ duy trì luân lý như vậy là chính. Báo chí lúc đó, thời đó, chưa đo đắn nó theo chuẩn kiểu các thành viên đối xử với nhau như thế nào, các ứng xử nên ra sao theo kiểu tư vấn thì chưa.
Tuy nhiên, việc nói đến ứng xử của từng thành viên thì chắc chắn có. Ví dụ báo Phụ nữ Tân văn thời ông Phan Khôi và Đào Trinh Nhất làm có phần mục liên quan đến ứng xử của phụ nữ. Họ cũng ít nhiều đề cập đến người phụ nữ trong nhà có trách nhiệm đối với những vấn đề này vấn đề khác như thế nào.
* Nó có mang tính luân lý và cổ hủ lắm không thưa ông?
- Các tờ báo cũng có nhiều quan điểm khác nhau. Nhưng những tờ như Phụ nữ Tân văn họ đề nghị những vấn đề đó theo cách mới. Một chứng cứ, khi nói đến hiện tượng ở Nam kỳ có nhiều người viết chữ quốc ngữ sai, ông Phan Khôi có viết trên tờ này phụ nữ phải đóng vai trò nhắc chồng nhắc anh em trong nhà dùng chữ quốc ngữ đúng. Điều đó chứng tỏ ông ấy thấy nhiều chuyện trong gia đình thì người phụ nữ có thể phát huy được vai trò của mình. Ông ấy nói điều này như một chuyện vận động văn hóa.
Báo chí cũng có những chuyện về thành viên trong gia đình, theo lối nhìn mới mẻ. Trong số các vấn đề, ông Phan Khôi để ý, phân tích quan hệ con cái với bố mẹ. Ở những năm 1929 - 1930, ông đã thấy sự chuyên chế theo kiểu bố mẹ bắt thế nào con cái phải theo thế ấy sẽ dẫn đến tiêu cực. Ông Phan Khôi dẫn những vụ con trai hẳn hoi, có vợ có con rồi, nhưng làm gì cũng phải xin phép bố mẹ nên tức mình tự tử. Vụ việc xảy ra ở Hà Nội hẳn hoi. Rồi phụ nữ trầm mình ở hồ Gươm, hồ Tây do thất vọng vì bố mẹ cứ bắt phải lấy người này lấy người kia, ông Phan Khôi cũng nói đến. Nó cũng liên quan đến những chuyện quan hệ thành viên gia đình, giáo dục gia đình.
Đặc biệt, ông Phan Khôi nêu quan hệ mẹ chồng và con dâu. Những người khác như là ông chú mụ o, những người họ hàng xa cũng tác động đến người con, nhất là con dâu trong nhà, làm cho họ ngày càng thấy khó khăn. Ông ấy phân tích những khó khăn của những mối quan hệ gia đình chồng chéo, ràng buộc đó.
* Như vậy, trong gia đình đã bắt đầu xuất hiện những yếu tố về tự do cá nhân chứ không chỉ là yếu tố truyền thống như trước. Và báo chí từ đầu thế kỷ 20 đã đưa những giá trị mới vào bên cạnh giá trị truyền thống rồi?
- Đúng rồi, nhưng có điều những học giả, nhà báo như thế họ nêu vấn đề một cách khá tế nhị và mức độ. Họ cho là đằng sau đó là quyền của con người, quyền của cá nhân nhưng mà họ nêu vấn đề theo cách là những thành viên trong gia đình, nhất là những người có trách nhiệm hơn phải biết mức độ của cái sự quyết đoán của mình. Chứ không phải là nêu là quyền tự do cái này cái kia. Nếu nhấn mạnh cách đó thì nhiều khi sẽ gây sốc, đánh vỗ mặt vào những giá trị chuẩn mực.
* Chuyện con dâu và mẹ chồng được đề cập thế nào thưa ông?
- Nhiều đấy. Ông Phan Khôi viết có hệ thống về việc đó. Đặc biệt ông ấy kiểm lại gia đình truyền thống, nói về chuyện nàng dâu - mẹ chồng, vì sao hai lực lượng đó lại xung đột đến thế. Nói chung là ông ấy ghét việc chuyên chế, nhân danh thế hệ trước của mẹ chồng để gây khốn đốn cho nàng dâu.
Ông ấy cho rằng nàng dâu cũng phải thể hiện yêu cầu nhất định, chính đáng thì mới thay đổi được chuyện mẹ chồng - nàng dâu. Chứ nếu chỉ tuân phục thôi thì không bao giờ thay đổi bản chất của mối quan hệ ấy.
Rõ ràng, đã xuất hiện sự tôn trọng giá trị và quyền sống của mỗi thành viên trong gia đình, nhất là thành viên yếu như con trước sức chuyên chế của bố mẹ, hay là con dâu trước sức chuyên chế của mẹ chồng.
Nhìn lại, từ những năm 1930, Phan Khôi đã nêu chuyện ấy rồi. Đấy chính là vận động Duy Tân của ông ấy. Nó hiện thực hơn rất nhiều so với những vận động mà theo kiểu chính trị. Nếu thay đổi từ trong gia đình, trong đời sống thì mới thuận.
Ý kiếnÝ thức hơn về nuôi dạy con Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đang rơi vào tình trạng đảo ngược tương quan trong gia đình, nhất là những gia đình con một. Trước đây, quyền uy thuộc cha mẹ, bổn phận thuộc về con cái. Còn bây giờ gia đình hiện tại cái gì cũng dành cho con hết. Khi con thì ít, kinh tế lại khá hơn, con cái trở thành thượng đế trong nhà. Đã thế, pháp luật còn ngày càng đề cao quyền trẻ em. Như thế sẽ dẫn đến nuông chiều các em quá, làm hỏng các em. Tuy nhiên, tôi không nghĩ như thế. Luật pháp về quyền trẻ em làm cho bố mẹ hiểu rõ hơn về việc nên làm gì hay không nên làm gì với các con khi nuôi dạy. Từ đó, họ cũng sẽ phải có ý thức hơn về việc tiếp cận với các phương pháp nuôi dạy con khoa học hơn. Quyền trẻ em không có nghĩa là tước đi quyền dạy dỗ con cái của bố mẹ. Nó chỉ hướng tới những cách giáo dục hiện đại và nhân văn hơn. Ông Hoa Hữu Vân, Phó vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH-TT-DL) Tại sao chỉ nữ giới cần quyến rũ ? Gần đây, có việc có những lớp học dạy quyến rũ cho phụ nữ. Nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ rơi vào việc sai lầm ngay từ xuất phát điểm. Đặt vấn đề phụ nữ cần học để quyến rũ chồng rất gần với việc đặt địa vị phụ nữ thấp hơn nam giới. Tại sao phụ nữ cần quyến rũ chồng còn nam giới không cần quyến rũ vợ. Nam giới cũng cần học các kỹ năng để có thể sống tốt trong gia đình, chăm sóc phụ nữ chứ? TS Phạm Quỳnh Phương, Viện Nghiên cứu văn hóa Không ngừng trau dồi, học hỏi kỹ năng sống Để kết nối các thành viên, các thế hệ trong gia đình thì kỹ năng sống rất quan trọng. Không có trải nghiệm thì khó có kỹ năng, mà đặt vấn đề tất cả mọi người đều có trải nghiệm thì không được. Lúc này người ta cần trang bị kỹ năng để hóa giải mâu thuẫn đó bằng cách đối thoại các thế hệ, dưới dạng các CLB gia đình, các lớp học. Tôi biết có những gia đình để mẹ chồng và con dâu không cãi nhau khi chăm cháu, cả hai cùng nhau đi học một lớp dinh dưỡng trẻ em tại Viện Dinh dưỡng. Thế là sau khi đi học về, các nguyên lý đều có cả đấy, cứ thế cùng nhau áp dụng. Không bao giờ có chuyện cãi nhau xem nên cho cháu uống một ngày mấy quả cam, một tuần ăn tối đa mấy quả trứng nữa. Việc học hành đó phải liên tục, không ngừng. Nhưng khó nhất bây giờ là giáo dục đàn ông. Đàn ông quay trở lại cũng phải biết cọ sàn nhà, chăm sóc chó, tưới cây. Kỹ năng sống trong gia đình của đàn ông VN rất kém. Họ lười biếng, lười chăm sóc phụ nữ, lười có lời hay ho. Đàn ông nghĩ mình là về chỉ việc xem ti vi. Như thế, bất bình đẳng nó thấm vào từng đường gân thớ thịt đời sống hằng ngày. PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện Xã hội học Dành nhiều thời gian hơn cho gia đình Tôi đánh giá cao việc thu xếp dành thời gian cho gia đình. Có như thế, các thế hệ mới xóa được khoảng cách quan điểm. Mới rồi, chúng ta có trào lưu nhắn tin em yêu anh, rồi các anh chồng phản ứng lại việc đó. Có lời rất khó nghe. Nó cho thấy một lời yêu đáng lẽ phải nói thường xuyên, nhưng do quá thiếu quan tâm rồi, thì khi nói ra lại thành bất bình thường. Nên phải dành thời gian cho nhau, cho gia đình, cho việc nói những lời yêu thương đó. Giá trị cốt lõi của gia đình hiện đại chính là yêu thương, thay vì duy trì nòi giống như quan niệm truyền thống. Chính vì thế, nếu thiếu đi yêu thương thì gia đình sẽ không còn giá trị, ly hôn và ngoại tình sẽ gia tăng. Và việc dành thời gian cho nó đã đến lúc phải được đặt đúng vị trí quan trọng. Bà Nguyễn Thị Mai, chuyên gia nghiên cứu gia đình, ĐH Văn hóa |
Bình luận (0)