Bữa tiệc gây xôn xao
Những thông tin về tiệc xúc tiến du lịch gần di tích tháp Po Klong Garai (Ninh Thuận) tối 7.7 vừa qua ngay lập tức gây xôn xao dư luận. Ông Sohaniim, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm, cảm thấy phiền lòng vì việc này. Ông cho biết mình không phản đối việc xúc tiến du lịch, mà là việc tổ chức tiệc gần tháp Chăm. Ông Sohaniim còn cho biết, theo quan niệm của người Chăm, đất đai của họ được các vị thần bảo hộ, thần linh có mặt ở khắp nơi, đặc biệt khu vực đền tháp, không gian linh thiêng rất rộng. “Việc tổ chức buổi tiệc ăn uống chốn linh thiêng, nó sẽ phạm những điều kiêng kỵ…”, ông Sohaniim nêu quan điểm.
Ngày 25.7, ông Hồ Sỹ Sơn, Giám đốc Sở VH-TT-DL Ninh Thuận, cho PV Thanh Niên biết đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh Ninh Thuận về việc tổ chức hoạt động tiếp đoàn famtrip khảo sát tại di tích tháp Po Klong Garai, trong đó có việc tổ chức ăn uống gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo ông Sơn, Sở VH-TT-DL đã phối hợp Hiệp hội Du lịch Ninh Thuận tổ chức chương trình famtrip khảo sát sản phẩm du lịch cộng đồng tại Ninh Thuận năm 2020 cho 140 thành viên của các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch trong nước. Đoàn đã đến khảo sát tại điểm di tích tháp Po Klong Garai và sau đó đã kết hợp ăn tối với giao lưu văn hóa, nghệ thuật diễn ra tại không gian bên trong cổng vào di tích (cách tháp chính khoảng 1 km).
|
Sau khi có các ý kiến phản ánh về việc tổ chức ăn uống bên trong khuôn viên di tích tháp Po Klong Garai - nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng của người Chăm, Sở VH-TT-DL đã chỉ đạo Ban Quản lý di tích tỉnh (đơn vị trực tiếp quản lý di tích tháp Po Klong Garai) mời Hội đồng Chức sắc Chăm Bà La Môn và thành phần liên quan họp để giải trình trong Thường trực Hội đồng Chức sắc nói riêng và cộng đồng Chăm nói chung. Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Chức sắc Chăm Bà La Môn đều thống nhất rằng chỉ khi tổ chức tiệc ăn uống trên khu vực tháp chính (khu vực 1) mới ảnh hưởng đến nơi tâm linh, tín ngưỡng. Việc tổ chức tại khu vực cổng ra vào di tích (khu vực 2) thì không ảnh hưởng đến tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng. Tuy nhiên, Hội đồng Chức sắc Chăm Bà La Môn Ninh Thuận cũng đề nghị ban quản lý cần thông tin trao đổi thống nhất với hội đồng trước khi tổ chức các hoạt động văn hóa, du lịch lớn tại khu vực tháp, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra như vừa qua.
Ông Sơn cho biết Sở VH-TT-DL đã tổ chức cuộc họp kiểm điểm và xem đây là sơ suất đáng tiếc cần rút kinh nghiệm, không để tái diễn trong thời gian tới. Đồng thời, tổ chức rà soát, bổ sung Quy chế quản lý hoạt động khu di tích tháp Po Klong Garai đảm bảo phù hợp và đúng quy định.
|
Không gian thiêng cần tôn trọng
Những suy tư về không gian thiêng, hoạt động trong không gian thiêng không phải bây giờ mới có. Tháng 2.2019, cộng đồng đã rất bức xúc khi một cán bộ của Bộ VH-TT-DL đã lọt vào nơi tổ chức lễ mật của hội Trò Trám (H.Lâm Thao, Phú Thọ). Cán bộ này đã livestream (phát trực tuyến) những hoạt động diễn ra tại đây trên trang Facebook cá nhân của mình trong khoảng 20 phút. Lễ mật là một thực hành văn hóa riêng của cộng đồng địa phương, gắn với nó là những không gian thiêng.
Bảo tồn thích nghi
|
Đó chính là bản sắc văn hóa - điều mà các cộng đồng đều muốn bảo vệ.
Bữa cơm giỗ vua Lý tại Hoàng thành Thăng Long hồi năm 2017 cũng từng được dư luận chú ý. Theo đó, cỗ bàn, bếp núc đã được bày trong Hoàng thành Thăng Long, cán bộ tại đây đi lại bê mâm. TS Trần Đình Hằng, Viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế, khi đó cũng thấy e ngại trước việc cỗ bàn tại khuôn viên di sản văn hóa thế giới. Theo ông, nếu chỉ tổ chức cúng tế trang trọng rồi phần thụ lộc của hàng trăm người ở một nhà hàng bên ngoài sẽ tốt hơn.
Trong khi đó, tiệc chiêu đãi của UBND TP.Hà Nội được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám nhân dịp Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (Haniff) 2018 cũng gây nhiều luồng ý kiến. Theo đó, hình ảnh trên Facebook của người dự tiệc, người chuẩn bị tiệc cho thấy bàn ghế, dụng cụ đun nấu được kê từ chiều tại sân Văn Miếu. Vào buổi tối, người đến dự có người mặc yếm hở trần lưng, hoàn toàn không phù hợp với không gian thiêng này.
Luật Di sản cần được cập nhật
Khang A Tủa, một người dân tộc thiểu số, bày tỏ quan điểm về việc nhiều người đã ngồi lên bậc cửa ngôi nhà được chọn làm bối cảnh phim Chuyện của Pao. “Nhiều người thản nhiên ngồi lên bậc cửa nhà người ta để chụp hình check-in. Trong khi bậc cửa là nơi cư ngụ của những vị thần linh cực kỳ linh thiêng trong văn hóa Mông như Peem Xeeb và Txhaj Meej. Họ là những người vừa có vai trò trông coi ngôi nhà, giữ cho quỷ ác không tàn phá gia chủ, vừa có vai trò quản lý gia súc, gia cầm cho người Mông. Nên người Mông cấm kỵ việc ngồi lên bậc thềm trước cửa”, Khang A Tủa chia sẻ.
PGS-TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, cho biết có nhiều lỗi trong du lịch văn hóa nơi có các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn, có người trèo sát vào tháp để chụp ảnh, có người ngồi lên bệ cửa nhà của người Mông... “Lỗi sai văn hóa như thế cũng phổ biến”, ông nói.
TS Quảng Đại Tuyên, một người nghiên cứu văn hóa Chăm, nhận định hiện tại luật Di sản chưa đề cập về nơi thiêng và không gian thiêng. “Tất cả đều gói gọn vào di sản. Đồng nghĩa với việc các yếu tố về tính thiêng, sự thiêng liêng... của một nơi thiêng được công nhận là di sản sẽ bị đồng hóa với các loại di sản khác. Luật Di sản chưa cập nhật và có những văn bản hướng dẫn cho ban quản lý di tích các tỉnh thì việc rập khuôn máy móc trong quản lý cũng sẽ dẫn đến khu vực, không gian thiêng dễ trở thành nơi vui chơi giải trí”, ông phân tích.
Bình luận (0)