UBND tỉnh Thanh Hóa vừa chính thức thống nhất dừng đấu giá núi Ngọc (xã Thọ Cường, H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) sau khi các đơn vị chuyên môn của tỉnh này, như Sở TN-MT, Sở Tư pháp, Sở VH-TT-DL, UBND H.Triệu Sơn, và UBND xã Thọ Cường kiểm tra lại và đều khẳng định nguyện vọng của nhân dân về việc giữ lại núi Ngọc là chính đáng.
Lý do tỉnh Thanh Hóa dừng đấu giá núi Ngọc là bởi ngọn núi này đã gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của xã Thọ Cường, là biểu tượng khơi dậy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của nhân dân.
Quyết định trên cho thấy tỉnh Thanh Hóa đã cầu thị, tôn trọng ý kiến chính đáng của nhân dân, dù việc biến núi Ngọc thành mỏ đất chỉ còn một "động tác" cuối là tổ chức đấu giá.
Nhìn lại quá trình từ bước khảo sát cho đến khi đưa núi Ngọc vào quy hoạch mỏ đất cho thấy, khi khảo sát đã không xem xét thấu đáo hoặc bỏ qua ý kiến của dân. Nếu ngay từ đầu ý kiến của dân được lắng nghe, được xem xét thấu đáo thì sẽ không bị "hớ" như bây giờ, khi mà mọi thủ tục về pháp lý cho việc đấu giá núi Ngọc đã hoàn tất.
Người viết còn nhớ, từ năm 2017, khi một doanh nghiệp có ý định tham gia đấu giá mỏ đất, người dân và những cán bộ chủ chốt của các hội, đoàn thể ở xã Thọ Cường đã họp bàn, thống nhất có văn bản gửi đến các cấp chính quyền rằng "không đồng ý lấy núi Ngọc làm mỏ đất". Như vậy, không phải bây giờ khi sắp đem núi Ngọc ra đấu giá người dân mới thể hiện thái độ.
Quy định của pháp luật cũng như mục tiêu của bất kỳ mỏ khoáng sản nào khi lập quy hoạch là phải đảm bảo sự hài hòa với yêu cầu bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, và đời sống của người dân.
Hậu quả của việc chưa tôn trọng ý kiến nhân dân từ vụ việc trên, là tới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa lại phải tính toán để bồi thường cho doanh nghiệp (đơn vị tổ chức đấu giá) và các đơn vị liên quan vì mất công làm hồ sơ, thủ tục chuẩn bị cho việc đấu giá.
Bình luận (0)