Tổng bí thư: Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng

02/10/2018 13:52 GMT+7

Phát biểu khai mạc hội nghị T.Ư 8 sáng 2.10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc T.Ư xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị sáng nay, 2.10, ngoài nội dung về kinh tế xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018-2019 và công tác xây dựng đảng, một nội dung được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh là tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.
Tổng bí thư nhấn mạnh, đối với nước ta, biển đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam.
“Các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới; thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển”, Tổng bí thư nói.
Trước khi tiến hành hội nghị, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm cố Tổng bí thư Đỗ Mười và cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang Ảnh TTXVN
Theo Tổng bí thư, thời gian qua, Ban cán sự đảng Chính phủ đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 9 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, phân tích, dự báo bối cảnh tình hình mới ở trong nước, khu vực và thế giới thời gian tới; từ đó đề xuất với T.Ư xem xét, ban hành nghị quyết mới về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Đây là vấn đề hết sức hệ trọng, liên quan đến phát triển kinh tế biển, gắn với phát triển xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển”, Tổng bí thư nói, và khẳng định, việc trình T.Ư xem xét, ban hành Nghị quyết mới về Chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế Nghị quyết số 9 giới hạn thời gian đến năm 2020 mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác.
Từ đó, Tổng bí thư yêu cầu các đại biểu làm rõ nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém như: một số chỉ tiêu phát triển kinh tế biển và ven biển khó đạt được vào năm 2020; một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển được xác định ưu tiên đầu tư nhưng phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng ven biển, nhất là hệ thống cảng biển và mạng lưới giao thông kết nối còn dàn trải, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn; quy hoạch các khu vực ven biển và một số ngành, lĩnh vực còn nhiều bất cập; nguy cơ ô nhiễm môi trường biển, đảo vẫn lớn; biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn biến phức tạp và có tác động tiêu cực ngày càng rõ nét; quản lý nhà nước về biển, đảo còn lúng túng, hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
“Phải chăng, nguyên nhân chủ quan là do tổ chức thực hiện Nghị quyết không tốt; đã mắc phải những khuyết điểm trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển các khu kinh tế, du lịch, dịch vụ biển và một số ngành kinh tế biển như đóng tàu, vận tải biển, đánh bắt hải sản xa bờ…”, Tổng bí thư nêu vấn đề.
Hội nghị T.Ư 8 dự kiến kéo dài từ 2-6.10, sẽ xem xét các nội dung: tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; tình hình kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách năm 2019; quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành T.Ư; thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; xem xét công tác nhân sự cùng các nội dung quan trọng khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.