Tổng bí thư, Chủ tịch nước: 'Cán bộ Hà Nội cũng lựa chọn bao nhiêu tinh túy về đây'

14/10/2020 13:13 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng, Hà Nội chưa bao giờ có cơ hội, vị thế như hiện nay với rất nhiều thuận lợi, song cũng chia sẻ vì rằng, "làm ở Hà Nội khó lắm".

Sáng 14.10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu thuộc tổ bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội, tiếp xúc cử tri 3 quận Hoàn Kiếm, Tây Hồ, Ba Đình.
Cuộc tiếp xúc cử tri diễn ra trước thềm kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV chuẩn bị khai mạc (dự kiến ngày 20.10).

"Với tất cả sự khiêm tốn, ta có thể nói như thế”

Sau khi lắng nghe ý kiến của 11 cử tri tại hội nghị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trao đổi lại một số ý kiến mà các cử tri nêu với tư cách thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội chứ không lấy tư cách Tổng bí thư, Chủ tịch nước để phát biểu vì cho rằng như thế “không đúng vai, không đúng chỗ”.
“Tôi là thành viên của Đoàn đại biểu Quốc hội, xin nhắc lại như thế. Tôi cũng nói với anh em, làm cái gì phải đúng vai, thuộc bài, nói gì phải đúng chỗ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước dẫn lại cuộc làm việc của tập thể Bộ Chính trị với tập thể Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây, dù là với tư cách Tổng bí thư chủ trì, song khi ý kiến, ông cũng chỉ nói: “Em hôm nay với tư cách công dân Thủ đô, em lại là công dân thủ đô ngoại thành, H.Đông Anh mà, cho nên có một số kiến nghị với các bác Hà Nội”.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, hội nghị tiếp xúc cử tri nhằm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp của cư tri đối với các vấn đề tai kỳ họp Quốc hội sắp tới, song các ý kiến tại hội nghị đã vượt ra khỏi phạm vi ấy, bàn những vấn đề rất lớn, rất chung của đất nước.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi ý kiến với các cử tri

Ảnh Ngọc Thắng

Tiếp thu ý kiến của các cử tri, Tổng bí thư, Chủ tịch nước dành toàn bộ phần chia sẻ để nói về vị trí, vai trò cũng như yêu cầu đối với Hà Nội trong giai đoạn sắp tới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, ông từng khẳng định trong phát biểu tại Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội vừa qua, Hà Nội thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, rất vinh dự là trung tâm kinh tế, chính trị, đầu não chính trị, quan hệ quốc tế rất rộng. “Đó là vị trí chẳng nơi nào có được”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế uy tín như hiện nay. Nói thế có tự kiêu không? Chả tự kiêu đâu. Với tất cả sự khiêm tốn, ta có thể nói như thế”, và dẫn chứng, trước kia cũng ruộng đất ấy mà làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập… nhưng bây giờ không chỉ đủ ăn còn xuất khẩu ra nước ngoài mấy chục tỉ đô la.
Tương tự, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho rằng, Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô lớn, dân số đông như hiện nay và tập trung tin hoa trí tuệ cả nước. Do đó, Hà Nội phải làm sao xứng đáng với vai trò, vị thế của đất nước, và tiêu biểu cho cả nước, đồng thời để cho thế giới người ta trông vào, các địa phương phải học tập.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý, kinh tế cũng rất quan trọng nhưng nói đến Hà Nội thì phải nói đến văn hóa, chính trị, nếp sống văn minh, phải nói đến quy hoạch, quản lý đô thị, trật tự an ninh, xây dựng con người Hà Nội thế nào.

“Hà Nội toàn bị chê là chậm, và chậm thật. Rất nhiều cái trì trệ”

Tuy nhiên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng bày tỏ rất đồng cảm, chia sẻ với Hà Nội vì làm ở Hà Nội khó lắm, vì Hà Nội là thủ đô, trung tâm đầu não, tất cả các bộ lớn nhỏ đều đóng ở đây, rồi các trường đại học, viện nghiên cứu, chưa kể người dân khắp nói đổ về nên quản lý đô thị là vấn đề rất lớn, rất khó.
“Hà Nội toàn bị chê là chậm, và chậm thật. Rất nhiều cái trì trệ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và dẫn chứng từ đường sắt trên cao cho tới 8B Lê Trực nhắc mãi, bảo phạt đi cũng mãi không phạt được; rồi sông Tô Lịch, bãi rác Sóc Sơn bao nhiêu năm bây giờ vẫn như vậy... Từ đó, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, làm lãnh đạo, cán bộ Hà Nội phải bản lĩnh, trí tuệ, có phương pháp, đặc biệt đoàn kết, huy động sức dân, dân ủng hộ mới làm được.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự hội nghị

Ảnh Ngọc Thắng

Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết, cả nước không có nơi nào có luật riêng, chỉ có Hà Nội là thủ đô nên có luật Thủ đô. Riêng Bộ Chính trị cũng có rất nhiều nghị quyết về Hà Nội. “Phân công cán bộ về Hà Nội cũng lựa chọn bao nhiêu tinh túy về đây”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và cho rằng, nói như vậy để vừa thấy thuận lợi, khó khăn vừa thấy trách nhiệm để sắp tới cùng đoàn kết xây dựng thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, lịch sự, đặc biệt là về văn hoá.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước kỳ vọng, sau thành công của Đại hội Đảng bộ TP.Hà Nội, các cử tri cùng nhau góp sức xây dựng thủ đô sắp tới thực hiện cho tốt nghị quyết của đại hội.
“Tôi đã nói phải làm bằng được, đã nói phải làm, đã đề ra phải thực hiện, thực hiện một cách tốt đẹp, xứng đáng là thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là trung tâm đầu não kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội và công tác đối ngoại thật tốt. Nhất là nội bộ chúng ta phải đoàn kết thật tốt, tất cả là một khối trong gia đình xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Tóm tắt quá trình công tác của ông Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội

"Lò phải nóng hơn nữa để sắt thép hạng sang vào lò cũng phải cháy"

Tại hội nghị, cử tri Nguyễn Quyết Thắng (Q.Hoàn Kiếm) bày tỏ sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn vào công tác nhân sự của Đảng. Hy vọng sau Đại hội XIII, sẽ có một bộ máy lãnh đạo hoàn chỉnh, mạnh mẽ, toàn diện, đáp ứng xuất sắc hoàn thành mọi nhiệm.
Ông Thắng cho rằng, nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, công tác nhân sự vẫn còn tồn tại một số vấn đề lớn như một số tư lệnh ngành, lãnh đạo địa phương để xảy ra nhiều vấn đề như thuốc chữa bệnh giả, xã hội hoá trong đấu thầu trang thiết bị y tế tiêu cực, gian lận thi cử, rửa tiền hay chiếm đoạt tài liệu bí mật quốc gia…
"Tuy chỉ là những trường hợp cá biệt được phát hiện kịp thời trong đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng cũng thấy có lỗ hổng trong công tác nhân sự nhiệm kỳ qua”, ông Thắng nói và cho rằng cần rút kinh nghiệm để làm tốt công tác nhân sự trong Đại hội XIII tới đây.
Còn cử tri Đỗ Bát Quát (P.Quán Thánh, Q.Ba Đình) thì cho rằng, khi đã coi tham nhũng là giặc nội xâm thì phải có chủ trương phân tích đánh giá để đưa vào đối tượng đấu tranh chứ không thể nói bên ngoài được.
“Đối sách lấy phòng ngừa là chính, giáo dục, quản lý cơ chế trong mọi chính sách để họ không trở thành giặc nội xâm. Tấn công cũng để giúp cho phòng ngừa. Tôi thấy lò cần phải nóng hơn nữa để sắt thép hạng sang đưa vào lò cũng phải cháy chứ không phải chỉ có củi tươi”, ông Quát nêu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.