Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa

09/10/2020 16:04 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII nhấn mạnh "trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa. ..".

Phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 13 sáng 9.10, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho hay, về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, T.Ư thống nhất nhận định, do tình hình đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng lớn, khó có thể hoàn thành được toàn bộ các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra cho năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020.
Tuy nhiên, nhờ có sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc Hội nghị trung ương XIII - Bản quyền thuộc Đài Truyền hình Việt Nam

Kết quả là, kinh tế vẫn tăng trưởng dương, đạt trên 2% trong 9 tháng, dự kiến đạt từ 2 - 3% trong năm 2020 (được đánh giá là một trong số 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh đại dịch, kinh tế thế giới và nhiều nước lớn dự kiến tăng trưởng âm).
"Như vậy, năm 2020 cũng là năm thành công đối với nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước", ông nói.

Xử lý dứt điểm các công trình dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài

Tuy nhiên, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, kinh tế - xã hội nước ta vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn: kinh tế tăng trưởng chậm lại, ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua; sản xuất kinh doanh bị suy giảm; nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động; việc làm, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng lớn.
Vì vậy, cần phải rà soát, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện và có phương án điều chỉnh phù hợp để bảo đảm các cân đối lớn, nhất là cân đối về ngân sách của năm 2020 sao cho khả thi, sát hợp nhất với thực tế tình hình từ đầu năm đến nay và dự báo 3 tháng cuối năm còn lại.

Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết Hội nghị T.Ư 13

Ảnh Nhật Bắc

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, T.Ư nhất trí cho rằng, đất nước ta bước vào năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức mới, nặng nề hơn so với 10 năm trước do tác động của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, chúng ta đã sớm chủ động nhận diện, kịp thời đề ra và quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, biện pháp ứng phó phù hợp, có hiệu quả; rút ra được nhiều kinh nghiệm quý báu cho thời gian tới.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục đề cao cảnh giác, thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời tập trung ưu tiên triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế gắn với tạo nền tảng để phát triển nhanh và bền vững.
"Khẩn trương, nghiêm túc rà soát, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện để sớm khắc phục những hạn chế, yếu kém vốn có, tồn đọng từ lâu nhưng chậm được khắc phục của nền kinh tế; xử lý dứt điểm các công trình dự án thua lỗ, chậm tiến độ kéo dài; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của mọi thành phần kinh tế và xã hội...", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Bế mạc Hội nghị trung ương XIII - Bản quyền thuộc Đài Truyền hình Việt Nam

Giữa thế kỷ 21 trở thành nước phát triển, định hướng xã hội chủ nghĩa

Về hoàn thiện dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, theo đánh giá của Ban Chấp hành T.Ư, dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII lần này đã phân tích, có sự thống nhất cao trong nhận định về những kết quả, thành tựu đã đạt được, những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm được rút ra từ tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Từ đó khẳng định những thành tựu đã đạt được là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của nước ta qua 35 năm đổi mới.
"Đây cũng là cơ sở đầy sức thuyết phục để chúng ta có thể tự hào khẳng định: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về tầm nhìn, dự thảo đã cập nhật kịp thời những diễn biến mới nhất của tình hình trong nước và thế giới, phân tích, dự báo có cơ sở khoa học về tình hình và xu hướng phát triển của thế giới và đất nước trong giai đoạn mới, tạo cơ sở cho việc xác định các mục tiêu phát triển mới trong 5 năm, 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045.
Từ đó, đề ra mục tiêu tổng quát là: nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, dự thảo báo cáo chính trị lần này dành ra một mục riêng đề cập đến 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó đặc biệt là, đã nhấn mạnh không chỉ "kiên định và vận dụng" mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Phải coi phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên.
Về phương hướng nhiệm vụ và giải pháp, dự thảo lần này đã bám sát tình hình và xu hướng phát triển của đất nước và thế giới, đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể với nhiều nội dung đổi mới quan trọng.

Các dự thảo sẽ được gửi lấy ý kiến nhân dân và hoàn thiện trình Hội nghị T.Ư 14 trước khi trình ra Đại hội XIII của Đảng

Ảnh Nhật Bắc

Đáng chú ý, dự thảo lần này bổ sung một mối quan hệ mới là giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng cho biết, dự thảo Báo cáo Chính trị lần này nhấn mạnh thêm: "Trong nhận thức và giải quyết các quan hệ lớn, cần chú trọng nhiều hơn đến bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữ vững độc lập, tự chủ và phát huy quyền làm chủ của nhân dân".
Dự thảo cũng khẳng định 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ) có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới. 
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, T.Ư giao Bộ Chính trị chỉ đạo các tiểu ban và các cơ quan có liên quan khẩn trương, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của T.Ư, hoàn thiện thêm một bước dự thảo các văn kiện để xin ý kiến của các đại biểu Quốc hội khoá 14, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân.
Sau đó, khẩn trương, nghiêm túc tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, các tổ chức nêu trên và nhân dân để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo văn kiện trình Hội nghị T.Ư 14 sắp tới xem xét, cho ý kiến hoàn chỉnh các văn kiện và hoàn tất việc chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, các mục tiêu cụ thể được dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII xác định là:
- Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp;
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao;
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.