Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: Làm rõ, xử lý thật tốt các mối quan hệ lớn

19/05/2019 07:10 GMT+7

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý, việc chuẩn bị các văn kiện trình ĐH XIII phải tập trung làm rõ và xử lý thật tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển...

Quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, giữa tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa... là những mối quan hệ lớn mà T.Ư thống nhất phải tập trung làm rõ trong các văn kiện trình ra Đại hội khóa XIII của Đảng.

Đánh giá khách quan những vấn đề phức tạp mới phát sinh

Sáng 18.5, phát biểu bế mạc Hội nghị T.Ư 10 khóa XII, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, T.Ư nhất trí về cơ bản dự thảo đề cương các báo cáo, trong đó có các vấn đề về chủ đề, tiêu đề, phương châm, tư tưởng chỉ đạo, kết cấu và một số vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến trong quá trình xây dựng các văn kiện. T.Ư đặc biệt nhấn mạnh: Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội và các báo cáo chuyên đề phải thực sự xứng tầm trình đại hội (ĐH); xác định đúng đắn những chủ trương, định hướng và các quyết sách lớn bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong 5, 10 năm tới (100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (100 năm thành lập nước).
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII Ảnh: TTXVN
Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư khóa XII Ảnh: TTXVN
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, việc chuẩn bị các văn kiện trình ĐH XIII phải tập trung làm rõ và xử lý thật tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Các văn kiện cũng phải đánh giá một cách khách quan, khoa học các vấn đề, nhất là những vấn đề phức tạp mới phát sinh; phân tích sâu sắc các nguyên nhân; dự báo có cơ sở khoa học tình hình đất nước, khu vực và thế giới, để từ đó xác định đúng đắn phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu cho nhiệm kỳ tới.
“Đặc biệt, cần đi sâu phân tích, đánh giá việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2016 - 2020, làm rõ những kết quả đã đạt được, hạn chế, yếu kém còn tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; dự báo khả năng thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu Chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Xác định rõ ràng, đúng đắn hơn vị trí, vai trò các thành phần kinh tế

Đối với lĩnh vực kinh tế, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cần chú trọng làm rõ tình hình thực hiện chủ trương phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường do ĐH XII đề ra; việc thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược và các nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết ĐH XII đã đề ra; những khâu đột phá mới và nhiệm vụ trọng tâm cần được nghiên cứu, bổ sung phát triển tại ĐH XIII; xác định rõ ràng, đúng đắn hơn vị trí, vai trò và cơ chế, chính sách tạo động lực đối với các thành phần kinh tế; việc huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài để phát triển đất nước nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Đối với lĩnh vực xã hội, cần chú trọng phân tích, đánh giá về thực trạng biến đổi cơ cấu xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ở nước ta hiện nay; việc nhận thức và giải quyết các quan hệ xã hội, quan hệ lợi ích, kiểm soát rủi ro; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn ngừa tệ nạn và tình trạng xuống cấp đạo đức, mâu thuẫn, xung đột xã hội; việc nhận thức và thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước và từng chính sách phát triển; tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội... Đồng thời, tập trung ưu tiên cho phát triển văn hóa, xây dựng con người VN, phát huy giá trị văn hóa và trí tuệ con người VN trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Chú trọng kiểm soát quyền lực cơ quan nhà nước

Đối với quốc phòng, an ninh, đối ngoại, theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cần coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên. “Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thách thức đang đặt ra và chủ trương, chính sách, biện pháp cần áp dụng để giữ vững độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Đối với việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, Tổng bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; công tác bảo vệ chính trị nội bộ; vấn đề thực hiện dân chủ và kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết, thống nhất trong Đảng; vấn đề năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; xây dựng, thực hiện chiến lược cán bộ và công tác cán bộ; nội dung, mô hình, phương thức cầm quyền của Đảng; phương thức lãnh đạo và lề lối công tác của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước; sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực của các cơ quan nhà nước; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân...

Xử lý những vấn đề bức xúc trong nhân dân

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý, việc chuẩn bị ĐH đảng bộ các cấp phải gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ thường xuyên, bảo đảm hiệu quả cao. Chú ý phát hiện, xử lý những vấn đề thực tế đang đặt ra, nhất là những vấn đề gây bức xúc trong nhân dân như: quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, tài sản công; chênh lệch giàu nghèo; ô nhiễm môi trường; ùn tắc, tai nạn giao thông, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, tệ nạn xã hội... Đối với công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cấp ủy, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần lựa chọn, giới thiệu và bầu được những người thật sự xứng đáng, đủ tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; chú ý phát hiện, giới thiệu những nhân tố mới có triển vọng, bảo đảm tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc.
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn chỉnh các đề cương
Tại phiên bế mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Bộ Chính trị trình bày báo cáo tóm tắt tiếp thu và giải trình ý kiến của T.Ư thảo luận ở tổ về đề cương Báo cáo chính trị; đề cương Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh 2011; đề cương Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; đề cương Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng. T.Ư cũng đã biểu quyết nhất trí thông qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.