'Tổng bí thư làm Chủ tịch nước không phải là nhất thể hóa mà là tình huống'

08/10/2018 12:24 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị, T.Ư đã chuẩn bị nhiều phương án nhưng qua quá trình thảo luận đã thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội tại quận Hòa Kiếm và quận Ba Đình sáng 8.10, nhiều cử tri bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao với việc tại Hội nghị T.Ư 8 vừa qua, T.Ư đã thống nhất giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.
Ông Lê Đức Hạnh, cử tri phường Kim Mã, quận Ba Đình, cho rằng đây là lựa chọn sáng suốt của Ban Chấp hành T.Ư. “Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình ủng hộ và kính mong đồng chí Tổng bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn”, cư tri Hạnh nói.
Trao đổi với cử tri về vấn đề này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn sự ủng hộ của cử tri, song cũng nói rằng, đây là việc liên quan tới cá nhân nên không tiện nói. Tuy nhiên, ông cho biết, trước đây, thời Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là Chủ tịch nước đồng thời là Chủ tịch Đảng, nhưng sau đó thì bị cách ra.
“Còn việc T.Ư thống nhất giới thiệu Tổng bí thư để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước thì không phải vì nhất thể hóa mà đây là tình huống. Vừa rồi không may đồng chí Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước mất đi đột ngột, mặc dù việc mắc bệnh hiểm nghèo đã được biết hàng năm trước nhưng đồng chí không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này thì phải có người làm ngay”, Tổng bí thư cho biết.
“Bộ Chính trị, T.Ư chuẩn bị nhiều phương án. Qua quá trình thảo luận dân chủ, trách nhiệm thì T.Ư thống nhất cao giới thiệu Tổng bí thư làm Chủ tịch nước. Không biết ra Quốc hội bầu có được không nhưng đây là ý kiến thống nhất của T.Ư”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, Tổng bí thư lưu ý, việc Tổng bí thư được giới thiệu làm Chủ tịch nước thì không nói kiêm vì đây là 2 cơ chế, 2 cơ quan khác nhau. Bên cạnh đó, cũng không nên nói đây là việc “nhất thể hóa” vì không phải nhất thể hóa mà chỉ là việc “bầu ông này làm 2 việc”.
Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì?
Về quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên T.Ư Đảng mà Hội nghị T.Ư 8 vừa thống nhất ban hành, Tổng bí thư cho biết, đây là quy định về nêu gương và tất cả các đảng viên phải thực hiện, trong đó trước hết là những người lãnh đạo cao nhất, tức là gần 200 Ủy viên T.Ư hiện nay.
Tổng bí thư cho biết, hiện nay, toàn Đảng đã có nhiều quy định từ 19 điều đảng viên không được làm cho tới 27 biểu hiện suy thoái mà đảng viên phải chống. Do đó, cần phải hiểu rõ về quy định mới để tránh kẻ xấu lợi dụng, xuyên tạc rằng, có phải mấy ông lãnh đạo cao cấp của Đảng hư hỏng quá nên phải có quy định về nêu gương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri Ảnh Ngọc Thắng
Theo Tổng bí thư, việc quy định lần này nâng tầm lên Ban Chấp hành T.Ư ban hành chứ không phải Bộ Chính trị hay Ban Bí thư như các quy định trước đây thì vị trí, thẩm quyền của quy định cao hơn nhiều.
“Ra T.Ư có ý kiến tại sao tập trung vào 200 ông Ủy viên T.Ư này, còn các cấp khác thì sao? Ra ngoài kẻ xấu xuyên tạc thì sao? Nhưng đã là cán bộ thì trước hết là nêu gương. Không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì?”, Tổng bí thư nhấn mạnh và việc ra quy định mới không phải vì các Ủy viên T.Ư, Bộ Chính trị hay Ban Bí thư hư hỏng hết mà là nhấn mạnh trách nhiệm của những lãnh đạo cao cấp của Đảng.
“Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta nói thẳng ra là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chứ không nói chung chung như trước. Từng anh phải soi vào làm gương và để cho người khác làm gương”, Tổng bí thư khẳng định.
Kiểm soát tài sản là việc khó
Tại hội nghị, nhiều cử tri cho rằng, việc thu hồi tài sản tham nhũng còn khiêm tốn, việc xử lý một số vụ án tham nhũng còn chậm, việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc còn lúng túng.
Trao đổi về vấn đề này, Tổng bí thư nói cho rằng, kê khai tài sản, công khai tài sản và kiểm soát tài sản của cán bộ đúng là việc khó vì nó thiên biến vạn hóa, nhiều biến tướng. Bên cạnh đó, nó còn liên quan tới quyền bí mật tài sản của công dân. Do đó, khi sửa luật Phòng chống tham nhũng thì phải tính để đồng bộ.
Về việc cử tri phản ánh một số vụ án tham nhũng xử lý còn chậm, Tổng bí thư cho biết, thời gian qua đã khắc phục được nhiều. “Trước có nhiều vụ án bao nhiêu năm rồi chìm xuồng. Trong 5 năm nay, đưa vụ nào ra là làm đến nơi, đến chốn và công khai hết”, Tổng bí thư nói và cho biết, việc xử lý cần phải thực hiện qua các khâu, các bước và phải theo luật, phải có chứng cứ thuyết phục nên rất phức tạp và phải cẩn trọng.
“Vừa rồi phải đợi tới hội nghị T.Ư mới xử được 2 ông nguyên Ủy viên T.Ư là Trần Văn Minh và Nguyễn Bắc Son. Đây mới là kỷ luật về Đảng, còn kỷ luật hành chính phải làm tương ứng, đồng bộ với kỷ luật Đảng. Nếu đến mức hình sự thì khởi tố”, Tổng bí thư nói thêm.
Về thu hồi tài sản tham nhũng, Tổng bí thư cho biết, trước đây, đây là khâu yếu, án treo nhiều nhưng bây giờ khắc phục được. Vừa qua, tỷ lệ thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng là 31%, với khoảng 36.000 tỉ đồng. Riêng vụ AVG đã 8.500 tỉ đồng. “Khi thu hồi tài sản rồi thì phải giảm nhẹ cho người ta. Vì căn cốt là thu hồi được tài sản, răn đe để không xảy ra sai phạm và người khác nhìn vào không dám vi phạm”, Tổng bí thư nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.