Tổng bí thư: Người dân đồng bằng sông Cửu Long phần lớn mới 'đủ ăn', chưa khá giả

22/04/2022 17:29 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng.

Chỉ mới "thức dậy" mà chưa vươn lên mạnh mẽ

Sáng 22.4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13 ngày 2.4.2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 13).

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu tới dự hội nghị

nhật bắc

Đây là nghị quyết thay thế Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị khóa IX về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2020.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành nghị quyết mới về vùng đồng bằng sông Cửu Long là để quán triệt sâu sắc hơn và tổ chức triển khai thực hiện tốt hơn chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng.

Bên cạnh đó, nghị quyết mới là để tạo ra một bước đột phá mới trong việc phát huy vai trò, vị trí quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển to lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.

Cùng với đó, phát huy những kết quả thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, và vượt qua những khó khăn, thách thức mới đang đặt ra.

Đây là hội nghị toàn quốc thứ 2 về phát triển vùng

nhật Bắc

Tổng bí thư phân tích, kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long một vùng đất trù phú, giàu tiềm năng, lợi thế nhưng phát triển chậm, chưa thịnh vượng. Vùng đất mà sau nhiều năm "ngủ yên", đã được "đánh thức" vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới "thức dậy" mà chưa vươn lên mạnh mẽ; người dân nơi đây phần lớn chỉ mới "đủ ăn" mà chưa khá giả; mặt bằng y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước.

Vùng đất màu mỡ, trù phú xưa kia đang bị khát và khô hạn do thiếu nước; độ phì nhiêu của đất bị suy giảm do thiếu phù sa bồi đắp; những con người sinh ra, lớn lên trên vùng sông nước miền Tây, giờ phải tiết kiệm, có lúc phải chia sẻ từng xô, từng thùng nước ngọt.

“Việc nghiên cứu, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện thật tốt nghị quyết lần này sẽ góp phần để đồng bằng sông Cửu Long "đứng dậy" làm chủ và "vươn lên" mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới cùng cả nước”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Đậm bản sắc văn hóa sông nước

Tổng bí thư cho hay, nghị quyết mới của T.Ư về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long có nhiều điểm mới cả về quan điểm, nhận thức; mục tiêu và giải pháp.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cùng chủ trì hội nghị

nhật bắc

Theo đó, Nghị quyết 13 yêu cầu phải từng bước đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào sử dụng một cách có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái là trọng tâm; công nghiệp năng lượng là đột phá; dịch vụ là bệ đỡ.

Tổng bí thư cũng cho hay, Nghị quyết 13 đặt mục tiêu đến năm 2030 vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới

Đến năm 2045, vùng đồng bằng sông Cửu Long là vùng phát triển toàn diện, sinh thái, văn minh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hoá sông nước; có trình độ phát triển khá so với cả nước; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phân bổ hợp lý và thích ứng với biến đổi khí hậu; kinh tế phát triển năng động, hiệu quả với cơ cấu phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hoá, con người; nhân dân có mức sống cao; bản sắc văn hoá độc đáo, đa dạng của các dân tộc được duy trì và tôn tạo.

Xanh, bền vững và toàn diện

Nhấn mạnh việc “làm gì” và “làm thế nào” để thực hiện nghị quyết mới phát triển đồng bằng sông Cửu Long, Tổng bí thư lưu ý, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước là cả nước vì vùng và vùng vì cả nước.

Tổng bí thư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

nhật bắc

Bên cạnh đó, khơi dậy và phát huy mạnh mẽ hơn nữa truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước; tính chủ động, sáng tạo; ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng tự mãn, bằng lòng với những gì đã làm, trung bình chủ nghĩa; quyết tâm cao hơn nữa, quyết không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác.

Tổng bí thư cũng nhấn mạnh, trên cơ sở đổi mới về tư duy và nhận thức, đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển vùng.

Tổng bí thư đề nghị Chính phủ và các cơ quan ở T.Ư cần tăng cường phối hợp với các địa phương trong vùng khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, ban hành và triển khai thực hiện luật pháp, chính sách ưu tiên, có tính đặc thù cho phát triển vùng. Xây dựng và tổ chức thực hiện thật tốt quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng xanh, bền vững và toàn diện.

Tổng bí thư cũng đề nghị nâng cao chất lượng công tác xây dựng bộ máy tổ chức cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp uỷ, tổ chức đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của vùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.