Ngày 6.4, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm, làm việc tại Quảng Ninh về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh.
Cùng đi với Tổng bí thư có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; ông Lê Minh Hưng, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh văn phòng T.Ư Đảng.
Giữ đà tăng trước đại dịch Covid-19
Báo cáo với Tổng bí thư tại cuộc làm việc, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, cho biết triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị, quy chế, quy định của T.Ư, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ tỉnh, Quảng Ninh đã có 15 đề án, chương trình trọng điểm; riêng trong năm 2021 và quý 1/2022 đã ban hành 6 nghị quyết, 18 chỉ thị, 10 chương trình, 122 kế hoạch, 16 kết luận và trên 460 thông báo.
Trong 2 năm đối phó với dịch Covid-19, Quảng Ninh đã kiên cường giữ vững địa bàn “An toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới” thực hiện tốt “mục tiêu kép” với đà tăng trưởng GRDP trên hai con số trong 6 năm liên tiếp (2016 - 2021).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh |
n.h |
Thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19", Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, duy trì ổn định các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, phục hồi nhanh chóng ngành du lịch.
Năm 2021, Quảng Ninh đã hoàn thành toàn diện 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 vẫn đạt 10,28% (đứng thứ 2 cả nước). Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng chính, tăng 32,19% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cả năm 2021 đạt 52.467 tỉ đồng, tăng 7% cùng kỳ 2020.
Quý 1/2022, tăng trưởng GRDP ước đạt 8,01%, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 13.470 tỉ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế năm 2021 đạt 238.186 tỉ đồng.
GRDP bình quân đầu người đạt 7.614 USD. Đô thị hóa đến hết năm 2021 đạt trên 67,5% (nằm trong 5 địa phương cao nhất cả nước). Toàn tỉnh có 9/13 địa phương cấp huyện, 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu).
Hộ nghèo toàn tỉnh theo tiêu chí đa chiều bền vững đến hết năm 2021 chỉ còn 0,1% (so với năm 2010 là 7,65%; năm 2016 là 3,39%).
Đáng chú ý, Quảng Ninh đã đưa vào hoạt động nhiều công trình giao thông động lực, với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỉ đồng như: đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cầu Tình Yêu…
Phát huy tốt hơn nữa vai trò đổi mới, tiên phong
Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu bật vị trí, vai trò quan trọng của địa phương này khi là vùng đất "địa linh, nhân kiệt", có vịnh Hạ Long, 2 lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Quảng Ninh còn là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía đông bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc; có Yên Tử là nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm. Quảng Ninh cũng là nơi có thương cảng Vân Đồn, một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đã khẳng định Việt Nam từ sớm là một quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.
Chúc mừng Quảng Ninh với những kết quả đạt được, hoan nghênh tỉnh vừa qua đã có những đột phá, sáng tạo trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng; thực hiện tinh gọn bộ máy, kiêm nhiệm các chức danh phù hợp với chủ trương, định hướng của T.Ư, tuy nhiên Tổng bí thư cũng căn dặn các lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ninh phải rất chú ý việc tinh gọn bộ máy phải đi đôi với kiểm soát quyền lực, tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh để lạm quyền, lộng quyền; phòng ngừa tình trạng cán bộ vấp ngã, sai lầm. Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo đánh giá hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền các cấp; đồng thời phải chống các biểu hiện dân túy, dân chủ hình thức, mị dân.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng lưu ý tỉnh Quảng Ninh kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, chăm lo các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đối với người có công, đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, biên giới, hải đảo, người có thu nhập thấp; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, bảo vệ môi trường sinh thái.
“Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có vai trò trực tiếp bảo đảm thành công cho chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh" gắn với chiến lược, chương trình hành động cụ thể. Tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo hành lang phát triển mới gắn với lộ trình chuyển đổi nhiều vùng từ khai thác than sang phát triển du lịch - dịch vụ. Không chỉ đào tạo nguồn nhân lực, mà còn phải đổi mới công tác giáo dục từ tư duy, nếp nghĩ, lối sống, nếp sinh hoạt, ý thức chấp hành pháp luật của mọi người dân," Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Kết luận cuộc làm việc, Tổng bí thư chúc Quảng Ninh tin tưởng, với truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng vẻ vang của quê hương, trên đà những thắng lợi đã đạt được, cùng với ý chí tự lực tự cường, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, tinh thần năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tiếp tục tiến xa, đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, phấn đấu hoàn thành vượt mức toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no và hạnh phúc.
Bình luận (0)