Tổng bí thư ôn lại thời vừa đi học, vừa đi dạy bình dân học vụ

14/11/2020 16:50 GMT+7

"…Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của thời học phổ thông/ Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/ Theo thời gian tẻ ngắt lạnh lùng”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đọc lại bài thơ của mình khi về thăm trường cũ.

Sáng 14.11, tại Hà Nội, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm thành lập (1950 - 2020) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng 3. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự buổi lễ, với tư cách học trò cũ.
Buổi lễ còn có sự tham dự của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. 
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài nói chuyện 17 phút với thầy cô và học sinh của trường, phần lớn với tư cách học trò cũ, ôn lại những kỷ niệm ngày xưa.

Dù 50 năm đã trôi qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, ông không bao giờ quên những ngày được học tập dưới mái trường Nguyễn Gia Thiều trong thời kỳ đất nước còn vô vàn khó khăn

Ảnh Ngọc Thắng

“Tôi rất vui mừng, phấn khởi và xúc động được về dự lễ kỷ niệm 70 năm trường Nguyễn Gia Thiều, một điểm sáng của ngành giáo dục Thủ đô ta và có đầy triển vọng tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Riêng với cá nhân tôi, đây là ngôi trường thân yêu mang đầy dấu ấn và để lại biết bao kỷ niệm không bao giờ quên”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
Là một học sinh cũ có 6 năm liên tục (từ 1957 -1963) học tập tại ngôi trường này, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, cho biết, tự đáy lòng mình, ông không bao giờ quên công lao dạy dỗ, giáo dục, rèn luyện của nhà trường, của thầy cô giáo và sự giúp đỡ, tạo điều kiện của cán bộ nhân viên, sự đùm bọc, phối hợp cộng tác của các bạn học sinh cùng thời.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã ôn lại những ngày tháng khó khăn trước đây, và hi vọng trường sẽ tiếp tục giành được nhiều thành tựu hơn nữa

Ảnh Ngọc Thắng

Bày tỏ “vui mừng, phấn khởi và tự hào” về những thành tựu mà nhà trường đã đạt được trong suốt 70 năm qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cũng nhớ lại điều kiện khó khăn của ngày xưa, khi trường lớp chật chội, nhà tranh, mái lá, sân đất; các phương tiện phòng thí nghiệm, thư viện… rất đơn sơ, thiếu thốn.
Các học sinh của trường phần lớn ở xa, hầu hết tự đi bộ hàng cục cây số từ nhà đến trường. “Nhiều người, trong đó có tôi, phải đi ở nhờ, ở trọ, lại còn phải vừa đi học, vừa đi làm thêm để kiếm sống”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.
“Tôi còn nhớ lúc bấy giờ, thầy Lê Đức Giảng của chúng tôi hôm nay đang ngồi đây, là Bí thư chi bộ nhà trường, chủ nhiệm lớp 9B, 10B của chúng tôi. Thầy là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết có một mình, ở cái nhà con con ở chỗ này. Lúc đó chắc thầy cũng tâm tư, nhớ nhà, cho nên thầy thường bảo tôi đến ở với thầy. Thầy ngồi làm việc, chấm bài, cho tôi một cái bàn con con để học. Tối đến hai thầy trò ngủ chung một giường. Lắm đêm trời mưa rét, hai thầy trò không ngủ được cho đến sáng. Chắc thầy vẫn còn nhớ…”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước ôn lại.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước phát biểu tâm sự tại buổi lễ

Ảnh: Ngọc Thắng

Để có tiền đi học, ngày đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn của mình phải đi bộ hàng chục cây số để đi dạy bình dân học vụ, kiếm mỗi tối 1 đồng 2 để trang trải cho học tập, sinh hoạt.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước tâm sự: “Tôi quê ở tận bên Bắc Ninh cơ, bây giờ là Đông Anh (Hà Nội). Bên ấy có trường đâu, phải sang đây học, đi qua con sông Đuống. Các đồng chí, các anh chị em hình dung, lúc bấy tôi học lớp 5, mới có 12 tuổi thôi, phải đi bộ từ bên đó sang đây, qua những bãi tha ma, dù lúc bấy giờ sợ ma lắm”.
“Nhà không có đồng hồ, dậy chẳng biết mấy giờ cả, cứ đi bộ qua sông Đuống. Đi bộ qua hết Gia Lâm, Gia Thượng, Ngọc Lâm, có khi vào đây, chờ đến sáng mới vào học được. Nói như thế để thấy là, so với ngày xưa, thì bây giờ, chúng ta có điều kiện học tập tốt hơn nhiều”, Tổng bí thư nhớ lại điều kiện khó khăn thời trước, và cho biết, rất nhiều bạn học của ông đã xung phong vào Nam chiến đấu hoặc tham gia thanh niên xung phong… có nhiều người đã hi sinh.
Chúc mừng những thành tựu ngày nay nhà trường đã đạt được, Tổng bí thư cũng lưu ý, không phải đến nay, ông mới cảm thấy tự hào về ngôi trường của mình.
Ông kể, từ năm 1962, khi trường tổ chức thi bích báo, lớp 10B của ông cũng đã đoạt giải thưởng, mà trong đó ông có 1 bài “với cảm xúc rất ngây thơ nhưng chân thành” mà đến giờ ông vẫn nhớ. Nhân dịp này, ông đã đọc mấy câu đầu và mấy câu cuối bài thơ, như sau:
“Tôi vui tôi sướng biết bao nhiêu/ Tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều/ Nay đã trở lên người anh cả/ Cuộc đời vui bay bổng cánh diều…
…Làm gì đây cho đời thêm ý nghĩa/ Năm cuối cùng của thời học phổ thông/ Hay cứ để cuộc đời trôi lặng lẽ/ Theo thời gian tẻ ngắt lạnh lùng”.
Kết thúc bài phát biểu, Tổng bí thư “chúc, cầu mong và tin rằng”, với truyền thống 70 năm, với nhiều thành tích kinh nghiệm đã tích lũy được, trường sẽ “tiếp tục phát triển, tiếp tục vươn lên, không ngừng tiến bộ. Ngày càng thu được nhiều kết quả to lớn, tốt đẹp hơn nữa, đáp ứng tốt yêu cầu mới ngày càng cao hơn, khó hơn.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.