Tổng bí thư: 'Quyền sử dụng đất không phải quyền sở hữu'

10/05/2022 17:04 GMT+7

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Hội nghị T.Ư 5 đã thống nhất khẳng định quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu.

Không thừa nhận việc đòi lại đất đã được nhà nước giao

Chiều 10.5, sau 6 ngày làm việc, Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII đã bế mạc.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu bế mạc tại hội nghị

phạm cường

Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị đã đã thành công tốt đẹp, hoàn thành có chất lượng cao một khối lượng công việc lớn, rất quan trọng.

Về vấn đề đất đai, Tổng bí thư cho hay T.Ư cho rằng, cần phải kế thừa, bổ sung, phát triển Nghị quyết T.Ư 6 khóa XI (Nghị quyết 19) theo hướng tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo luật định, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.

Quản lý và sử dụng đất phải bảo đảm lợi ích chung của toàn dân; nhân dân được tạo điều kiện tiếp cận, sử dụng đất một cách công bằng, hiệu quả và bền vững.

Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở T.Ư, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, có hiệu quả đối với các địa phương.

Theo Tổng bí thư: "Quyền sử dụng đất là quyền sử dụng một loại tài sản và hàng hoá đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ".

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được nhà nước giao cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai; không đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân; có chính sách để đất nông nghiệp được sử dụng một cách có hiệu quả cao nhất.

T.Ư Đảng cũng nhấn mạnh, thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó có chính sách phù hợp đối với đối tượng, loại hình sử dụng đất để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất nguồn lực tài nguyên đất đai; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ đất, sử dụng đất không đúng mục đích, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, gây khiếu kiện, bức xúc trong nhân dân.

Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII bế mạc sau 6 ngày làm việc

phạm cường

Bên cạnh đó, T.Ư khẳng định cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước về đất đai. Hiện đại hoá công tác quản lý đất đai và dịch vụ công về đất đai. Củng cố, hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy quản lý đất đai một cách tập trung, đồng bộ, thống nhất. Nâng cao vai trò và năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan tư pháp trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai.

Đất đai phải được điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm kê, lượng hoá, hạch toán đầy đủ trong nền kinh tế; được quy hoạch sử dụng hợp lý, với tầm nhìn dài hạn, hài hoà lợi ích giữa các thế hệ, các vùng, miền, giữa T.Ư và địa phương; giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong việc quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại và từ yêu cầu mới đặt ra của thực tiễn.

Khắc phục yếu kém tồn tại kéo dài

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định hội nghị thành công tốt đẹp

phạm cường

Theo Tổng bí thư, trên cơ sở thống nhất nhận thức như trên, T.Ư Đảng đã đi sâu phân tích, đánh giá và thống nhất cao về các giải pháp, chủ trương, định hướng tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa luật pháp, chính sách về đất đai, trước hết là sửa đổi, bổ sung luật Đất đai năm 2013 và các luật pháp có liên quan để khắc phục những hạn chế, yếu kém tồn tại kéo dài lâu nay.

Trong đó, đặc biệt là những hạn chế, yếu kém liên quan đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ, bồi thường, tái định cư, thu hồi đất; chính sách tài chính đất đai và xác định giá đất; chế độ quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, đất dành cho việc thờ tự, tôn giáo, nghĩa trang, nghĩa địa; quản lý nhà nước về đất đai...

T.Ư còn nhấn mạnh, trong quá trình tổ chức thực hiện, cần thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước; phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn dân để tạo sự đồng thuận, đưa chính sách, pháp luật về đất đai thực sự đi vào cuộc sống.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.