Tổng Bí thư Tô Lâm: Chủ trương bỏ công an huyện rất được hoan nghênh

13/02/2025 15:14 GMT+7

Tổng Bí thư Tô Lâm nói, chủ trương bỏ công an cấp huyện rất được hoan nghênh, người dân rất mừng.

Sáng 13.2, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chủ trương bỏ công an huyện rất được hoan nghênh- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thảo luận tại tổ

ẢNH: GIA HÂN

Không thể nói tăng trưởng mấy con số mà đời sống người dân không cải thiện

Phát biểu ý kiến, Tổng Bí thư Tô Lâm nói chủ trương tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy đang được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội ủng hộ, triển khai rất nhanh, rất khẩn trương.

Theo Tổng Bí thư, sắp xếp tổ chức bộ máy không chỉ hướng đến việc tiết kiệm tiền mà quan trọng nhất là năng lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.

"Vì sao rất nhiều chính sách của Quốc hội, Chính phủ khi thực hiện thì nhiều cái chưa đạt chỉ tiêu, chưa đáp ứng được mong muốn của nhân dân, phải chăng do khâu tổ chức thực hiện?", Tổng Bí thư đặt vấn đề.

Để đất nước phát triển, Tổng Bí thư cho rằng, có nhiều việc quan trọng phải làm. Một trong số này là tăng trưởng. Phải tăng trưởng thì đời sống của người dân mới được đảm bảo, không thể nói tăng trưởng mấy con số, như này như kia, nhưng đời sống nhân dân không cải thiện, vậy tăng trưởng để đi đâu.

Vẫn theo Tổng Bí thư, nghị quyết T.Ư từ nhiều khóa đã xác định bộ máy còn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Vừa qua, tổng kết Nghị quyết 18 thì cũng thấy quá nhiều việc chưa làm được.

"Khi làm bộ trưởng, tham gia họp Ban Cán sự Đảng Chính phủ, mỗi khi đề cập đến hiệu lực của Chính phủ đều đánh giá là hoạt động rất hiệu quả, mấy nhiệm kỳ không phải bổ sung, thay đổi gì, chứng tỏ rất tốt.

Tôi nói đánh giá như vậy là mâu thuẫn với đánh giá của T.Ư, T.Ư đánh giá bộ máy cồng kềnh, hoạt động kém hiệu lực, hiệu quả. Vậy một là T.Ư đánh giá sai, hai là Chính phủ đánh giá chưa đúng. Không thể 2 cách đều đúng cả", Tổng Bí thư nói.

Cũng có ý kiến đề xuất sau đại hội, nhiệm kỳ mới hãy sắp xếp tổ chức bộ máy, vì làm sẽ va chạm, tâm lý, không làm được.

"Tôi bảo để đại hội sau thì càng không làm được, vừa đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết thì ai làm khác được, rất khó khăn. Vì vậy, đây là thời cơ vàng của chúng ta. Làm như vậy xong thì bước vào đại hội mới tính toán được", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chủ trương bỏ công an huyện rất được hoan nghênh- Ảnh 2.

Tổng Bí thư trao đổi với các đại biểu bên hành lang phòng họp

ẢNH: GIA HÂN

Nguy cơ tụt hậu

Một nội dung quan trọng khác được Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập, là khả năng quản lý về ngân sách. Ngân sách có, tiềm lực lớn nhưng vì sao không phát triển được, đầu tư công khó khăn, có tiền nhưng không tiêu được, hệ thống luật lệ phức tạp… "Khi rà soát ra thì vô cùng nhiều vấn đề", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

"Tất cả theo một kế hoạch, đầu nhiệm kỳ Quốc hội phân bổ hết vốn, theo hàng năm, nhưng cũng không thực tế, hàng năm còn tăng thu, đầu nhiệm kỳ phải phân bổ, rồi lại điều chỉnh, mà không ai được quyền điều chỉnh ngoài Quốc hội, muốn điều chỉnh lại phải xin.

Vậy chủ tịch tỉnh, chủ tịch thành phố làm gì, có kế hoạch 5 năm, đầu nhiệm kỳ phân bổ ngân sách xong hết rồi, cứ thế mà làm, đồng nào mua muối là phải mua muối, mua gạo phải mua gạo. Lấy tiền đong gạo đi mua muối là chết. Dân đói mà cầm tiền muối đi mua gạo là chết, phân bổ cứng hết rồi", Tổng Bí thư nêu.

Cạnh đó là phải tính đến năng lực cạnh tranh, vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Tổng Bí thư nhận định, với mình thì thấy thành quả mấy chục năm đổi mới quá vĩ đại, nhưng nhìn sang quốc gia khác thì vẫn còn quá chậm.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chủ trương bỏ công an huyện rất được hoan nghênh

Ví dụ như Singapore, cách đây 50 - 60 năm rất khó khăn, "người Singapore được sang Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) khám bệnh là niềm mơ ước". Nay thì ngược lại, "mình lại mơ ước được sang Singapore chữa bệnh".

Hay như Trung Quốc, trước khi thực hiện cải cách mở cửa, trình độ hai nước tương đồng, thu nhập bình quân đầu người như nhau. Đến nay, Trung Quốc khoảng 15.000 USD, còn Việt Nam chưa đến 5.000 USD.

Những dấu hiệu trên cho thấy nguy cơ tụt hậu, đã được Đảng nhận diện từ Đại hội VI, do đó phải có giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng, khơi thông mọi cản trở, điểm nghẽn.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Chủ trương bỏ công an huyện rất được hoan nghênh- Ảnh 3.

Các đại biểu thảo luận tổ sáng 13.2

ẢNH: GIA HÂN

Chủ trương bỏ công an cấp huyện rất được hoan nghênh

Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh về sự cần thiết của việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Điển hình như thanh tra, báo cáo cho thấy hoạt động của lực lượng này không hiệu quả. Thanh tra Chính phủ chỉ với 400 cán bộ nhưng năng suất, hiệu quả công việc thì gấp hàng ngàn lần so với toàn bộ hệ thống thanh tra còn lại. Điều này đòi hỏi phải có biện pháp để nâng cao hiệu quả thanh tra chuyên ngành, thanh tra chính quyền, cơ sở…

Vẫn theo Tổng Bí thư, vừa qua, chủ trương bỏ công an cấp huyện rất được hoan nghênh, người dân rất mừng. Hiện công an chính quy đã về xã, mọi việc người dân đều trực tiếp qua xã, từ đăng ký hộ khẩu, đăng ký xe, điều tra vụ án trộm cắp hay đánh nhau… "Xã giải quyết được hết, làm sao phải chờ đến huyện, đến tỉnh", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng dẫn một số ý kiến cho rằng Trung Quốc dù diện tích lớn, dân số đông như vậy nhưng chỉ có 31 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và khu tự trị, mình diện tích cũng thua, dân số cũng thua mà có đến sáu mấy tỉnh. 

Trong số các địa phương của Việt Nam, Tổng Bí thư nhận định có những tỉnh tách ra thì rất phát triển, nhưng cũng có tỉnh nói rằng "hết đất, hết dư địa rồi, giờ chỉ suy nghĩ đến liên kết vùng thôi". Đây chính là mầm mống của sự đòi hỏi phát triển bền vững, cần tiếp tục nghiên cứu.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.