Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

15/01/2025 19:16 GMT+7

Ngày 15.1, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nhân dịp kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (18.1.1950 - 18.1.2025) và trong không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cuộc điện đàm, là sự khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp của "Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc", thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của mỗi bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, định hướng cho các hoạt động hợp tác hiệu quả giữa hai Đảng, hai nước trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình- Ảnh 1.

Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc điện đàm

ẢNH: TTXVN

Nhân dịp năm mới Ất Tỵ 2025 sắp tới, hai Tổng Bí thư gửi lời chúc mừng năm mới tới hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, chúc sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước thu được thành tựu mới to lớn hơn nữa; nhân dân hai nước an khang, thịnh vượng; quan hệ hai Đảng, hai nước tiếp tục phát triển lành mạnh, ổn định, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Trong không khí chân thành, cởi mở, hữu nghị, hai Tổng Bí thư đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Trung trong 75 năm qua về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực, đạt nhiều thành tựu quan trọng, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. 

Thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm gửi lời chia sẻ với những gia đình nạn nhân, cùng toàn thể nhân dân vùng chịu ảnh hưởng của trận động đất nghiêm trọng vừa qua tại Tây Tạng, tin tưởng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sẽ sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của Trung Quốc dành cho Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử; khẳng định Việt Nam luôn coi việc phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong tổng thể đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định Đảng, Nhà nước Trung Quốc ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam trong chính sách ngoại giao láng giềng.

Nhân dịp này, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đã cùng tuyên bố khởi động Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025; nhất trí phối hợp tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc 2025; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước về quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp Việt - Trung.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược giữa hai Đảng, hai nước, nhất là giao lưu cấp cao có ý nghĩa định hướng chiến lược cho tổng thể quan hệ song phương; nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác trên kênh. 

Thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh tương xứng với vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước; tạo đột phá mới trong hợp tác kinh tế, ưu tiên đẩy nhanh kết nối 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn giữa hai nước, mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư và trong các lĩnh vực mới nổi. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình hoan nghênh Việt Nam tăng cường quảng bá chất lượng để mở rộng tiêu thụ hàng nông sản Việt Nam chất lượng cao tại thị trường Trung Quốc.

Hai Tổng Bí thư cũng đã chia sẻ thông tin về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước; nhất trí tăng cường trao đổi kinh nghiệm, lý luận xây dựng chủ nghĩa xã hội; phối hợp trên cơ sở các vấn đề quốc tế và khu vực, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và trên thế giới.

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị hai bên chỉ đạo các ngành, các cấp tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.