Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình

23/07/2024 19:07 GMT+7

Kể từ năm 1967, khi tốt nghiệp Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội cho đến nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nhiều dịp quay về "trường xưa", với mong mỏi ĐH Quốc gia Hà Nội vươn lên tầm khu vực và thế giới

Từ mái trường này...

Trong cuốn kỷ yếu Từ mái trường này của tập thể cựu sinh viên khóa 8 khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, có một bài viết tiêu đề Lớp tôi - có gì đặc biệt? Tác giả bài viết là cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng, thời điểm viết bài (tháng 10.1996) là Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, sau này là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 1.

Anh sinh viên Nguyễn Phú Trọng (thứ hai từ trái sang) và các bạn K8 Ngữ văn tại KTX Mễ Trì, tháng 2.1967. Đây là một trong số các bức ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng ĐH Quốc gia Hà Nội

TƯ LIỆU

Trong những dòng đầu tiên của bài viết, tác giả Nguyễn Phú Trọng nhắc về cảm giác "lâng lâng, hãnh diện" vào một buổi sáng đẹp trời đầu tháng 9.1963, khi ông đứng trong vườn Tao Đàn, ngước nhìn lên cổng trường ngắm mãi dòng chữ "Trường đại học Việt Nam". Thời điểm này mở ra một giai đoạn gắn bó 4 năm với giảng đường đại học của ông mà về sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn tự hào đó là quãng thời gian đẹp nhất trong đời mình.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 2.

Cựu sinh viên Nguyễn Phú Trọng (thứ hai từ trái sang) và các bạn cùng lớp cũ trong buổi lễ bảo vệ luận án phó tiến sĩ khoa học của một bạn đồng môn, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội

VŨ HUYẾN

Sau khi tốt nghiệp đại học (tháng 8.1967), ông Nguyễn Phú Trọng được phân công làm việc ở Tạp chí Học tập, về sau là Tạp chí Cộng sản đến tháng 8.1996. Theo GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong giai đoạn này, ông vẫn thường xuyên vào giảng dạy chuyên đề cho sinh viên ngành văn học của nhà trường. "Ông tính giản dị, vui vẻ ngồi sau xe đạp để giảng viên trẻ của khoa chở vào trường dạy học rồi lại đưa về khu phố Nguyễn Thượng Hiền", GS Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 3.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú Trọng, một nhân vật trong 100 chân dung thế kỷ ĐH Quốc gia Hà Nội nhận hoa được tặng bởi sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội

BÙI TUẤN

Năm 2006, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (16.5.1906 - 16.5.2006). Ông Nguyễn Phú Trọng, lúc đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội, đã có dịp quay lại trường. Ông cũng được tôn vinh là một nhân vật trong 100 chân dung thế kỷ ĐH Quốc gia Hà Nội.

Luôn ưu tiên dành thời gian cho thầy, cô

Bốn năm sau, ngày 16.11.2010, khi đang ở cương vị là Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã về thăm và gặp mặt thân mật với các đồng chí lãnh đạo, thầy cô giáo của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội. Với tình cảm của một cựu sinh viên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chia sẻ: "Tôi đã trưởng thành từ mái trường này và mãi tự hào về truyền thống và thương hiệu mà nhà trường đã có".

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, ngày 16.11.2010

BÙI TUẤN

Năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng được Đại hội XI bầu làm Tổng Bí thư. Sau sự kiện đó, theo lời kể của GS Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, những ngày giáp tết trước thềm xuân Tân Mão, ban lãnh đạo ĐH Quốc gia đã được Tổng Bí thư đón tiếp, mặc dù ông từ chối "không tiếp lãnh đạo đơn vị nào". Tổng Bí thư lý giải, cuộc đón tiếp này của ông là dành cho các thầy cô, không phải cho các lãnh đạo đơn vị.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 5.
Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 6.

Trang bìa và trang trong luận văn tốt nghiệp đại học do GS Đinh Gia Khánh hướng dẫn (luận văn duy nhất được điểm xuất sắc của K8 Ngữ văn) của sinh viên Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tặng lại ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2013

BÙI TUẤN

Trong cuộc gặp gỡ thân thiết và cởi mở này, GS Vũ Minh Giang đã ngỏ lời xin Tổng Bí thư một số hình ảnh thời sinh viên để trưng bày trong phòng truyền thống. "Chúng tôi thật bất ngờ khi được nghe Tổng Bí thư say sưa chia sẻ những kỷ niệm đẹp về thời gian học tập dưới mái trường ĐH Tổng hợp Hà Nội và hứa sẽ tặng phòng truyền thống nhà trường những kỷ vật mà GS Nguyễn Phú Trọng đã nâng niu, gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ qua".

Giữ đúng lời hứa, năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi đến ĐH Quốc gia Hà Nội một số kỷ vật quý, trong đó có cuốn luận văn tốt nghiệp "Thơ ca dân gian với nhà thơ Tố Hữu" của ông mà GS Đinh Gia Khánh hướng dẫn.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 7.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các học giả dự hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 (2016)

BÙI TUẤN

Ngoài ra, một số hoạt động học thuật mang tầm quốc tế của ĐH Quốc gia Hà Nội cũng rất được Tổng Bí thư quan tâm. Cả hai hội thảo quốc tế Việt Nam học (2012, 2016) do ĐH Quốc gia Hà Nội là đơn vị đầu mối tổ chức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều trân trọng đón tiếp các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế tại Văn phòng T.Ư Đảng.

Tổng Bí thư đặc biệt hoan nghênh, cảm ơn các nhà khoa học luôn dành cho Việt Nam những ý kiến đóng góp chân tình, quý báu, thực sự là những người bạn thân thiết của Việt Nam.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 8.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các học giả dự hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ 5 (2016)

BÙI TUẤN

Tổng Bí thư cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng những ý kiến tham vấn của các nhà khoa học; mong muốn các nhà khoa học bằng trí tuệ, tâm huyết và tình cảm yêu mến đối với Việt Nam, sẽ tiếp tục nghiên cứu, truyền bá rộng rãi để bạn bè quốc tế hiểu biết sâu sắc hơn về Việt Nam, đồng thời giúp Việt Nam có thêm kinh nghiệm phát triển đất nước.

Mong mỏi ĐH Quốc gia Hà Nội trở thành biểu tượng đẹp của Việt Nam

Ngày 9.12.2013, ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội (10.12.1993 - 10.12.2013), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về dự và thăm phòng truyền thống.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 9.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng thăm phòng truyền thống ĐH Quốc gia, năm 2013

BÙI TUẤN

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân của một cựu sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi rất mong và tin tưởng ĐH Quốc gia Hà Nội thực sự trở thành một trong những biểu tượng đẹp của tinh thần, trí tuệ và tinh hoa văn hóa Việt Nam.

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 10.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội

BÙI TUẤN

Mười năm sau, nhân dịp ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội, Tổng Bí thư đã gửi thư chúc mừng ĐH Quốc gia Hà Nội. Trong thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh các dấu mốc có tính kế thừa và tiếp nối trong quãng thời gian 117 năm truyền thống ĐH Quốc gia Hà Nội, từ ĐH Đông Dương (năm 1906), Trường ĐH Việt Nam (năm 1945) và Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (năm 1956)…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời chúc "ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục giữ vững vị thế hàng đầu quốc gia, từng bước vươn lên trên bản đồ các ĐH hàng đầu châu Á và thế giới…".

Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 11.
Tổng Bí thư và nơi lưu giữ những ký ức 'lâng lâng, hãnh diện' của đời mình- Ảnh 12.

Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân kỷ niệm 30 năm ngày Chính phủ ban hành Nghị định về ĐH Quốc gia Hà Nội và 117 năm truyền thống

TƯ LIỆU


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.