Chiều 14.4, cho ý kiến về dự thảo luật Dầu khí sửa đổi tại phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá thăm dò, khai thác dầu khí là “chim trời cá nước”, nhiều rủi ro, tốn hàng tỉ đô nhưng chưa chắc ra được kết quả nên việc xử lý chi phí tìm kiếm, khai thác đầu khí không thành công là vấn đề cần đặt ra.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN |
gia hân |
“Trước đây chúng ta có một quỹ tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí và bây giờ bỏ rồi thì những hợp đồng không thành công thì xử lý thế nào, thông lệ quốc tế như thế nào?", ông Huệ nêu.
Giải trình vấn đề này, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Lê Mạnh Hùng cho biết, việc xử lý chi phí tìm kiếm, thăm dò dầu khí không thành công là vướng mắc lớn nhất hiện nay.
Ông Hùng giải thích trước đây và theo thông lệ quốc tế thì PVN tách ra một nguồn vốn hoạt động ổn định của doanh nghiệp để lập Quỹ tìm kiếm thăm dò. Bản chất của quỹ này là xử lý các rủi ro khi kết quả tìm kiếm, thăm dò không thành công, không chuyển sang giai đoạn phát triển khai thác để thu hồi lại được.
Tuy nhiên, sau khi ban hành luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014 (luật 69) thì không cho phép trích lập các quỹ đặc biệt trong doanh nghiệp nữa nên quỹ này hết.
Theo ông Hùng, sau khi Nghị định 06 quy định quy chế quản lý tài chính của PVN hết hiệu lực thì Bộ Chính trị đã có kết luận chỉ đạo cho phép tiếp tục quy định của nghị định này vào các quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc PVN cho rằng đây là vướng mắc chính khi Nghị định 06 cho phép sử dụng Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí còn dư trong khi quy định pháp luật là luật 69 lại không có quỹ.
Ông Hùng cho hay vừa qua Chính phủ ban hành Nghị định 36 năm 2021 thay thế Nghị định 06 đã xử lý được vấn đề này. Theo đó, cho phép đến năm 2023 sử dụng hết phần quỹ còn lại và áp dụng phân bổ chi phí tìm kiếm thăm dò không thành công trong kết quả sản xuất kinh doanh trong lợi nhuận sau thuế của PVN trong thời gian 5 năm.
"Quy định này được Bộ Công Thương dự thảo và đưa lên thành quy định trong luật thì tập đoàn cũng thấy hoàn toàn phù hợp để có cơ sở pháp lý cao nhất để chúng ta áp dụng trong thực tế”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, Tổng giám đốc PVN cho biết tập đoàn này vẫn mong muốn nếu có thể thì luật Dầu khí cho phép có Quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí để xử lý vấn đề này.
“Thứ nhất là phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ hai là phù hợp với bản chất rủi ro của hoạt động dầu khí và tách một nguồn vốn ổn định cho các hoạt động sản xuất kinh doanh như là vốn điều lệ hoặc vốn chủ sở hữu thì sẽ tốt hơn cho tập đoàn”, ông Hùng nêu.
Dự thảo luật Dầu khí sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5 tới đây.
Bình luận (0)