Tổng giám đốc USAID cam kết hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu

09/03/2023 15:21 GMT+7

Thăm ĐBSCL ngày 8-9.3, Tổng giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power đến nhà máy sử dụng điện mặt trời ở Vĩnh Long, thăm bè cá sông Hậu, chứng kiến những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tại đây.

Tổng giám đốc Power: USAID tập trung hỗ trợ ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu - Ảnh 1.

Tổng giám đốc USAID Samantha Power trên bè cá ở sông Hậu

USAID

Đối với bà Power, ĐBSCL là từ thường xuyên xuất hiện trên các báo cáo, thông tin báo đài. Nhưng đây là lần đầu tiên bà có thể thực sự đặt chân đến vùng đất này, thấy tận mắt nhiều mức độ ảnh hưởng khác nhau của biến đổi khí hậu đối với cuộc sống người dân địa phương.

Xâm thực mặn đang xảy ra tại nhiều nơi ở ĐBSCL và chuyến đi của bà Power tập trung vào nỗ lực hỗ trợ các địa phương thích ứng với những biến đổi khí hậu đang diễn ra, từ các sự kiện thời tiết cực đoan đến nước biển dâng gây hại cho cây trồng và thủy sản.

Bà Power đã đến thăm và tiếp xúc một trong nhiều trang trại thủy sản trên sông Hậu, nghe cách người dân ứng phó trước tình trạng mực nước thay đổi và độ mặn ngày càng tăng ở sông Hậu và sông Tiền.

Sau đó, tại Đại học Cần Thơ, bà có buổi trao đổi với các sinh viên ở đây, lắng nghe những lo lắng của giới trẻ trước tình trạng biến đổi khí hậu đang xảy ra tại ĐBSCL và những ảnh hưởng đang xảy đến cho chính gia đình, thân nhân của mình. 

Bà Power cho biết USAID sẽ triển khai dự án với kinh phí 15 triệu USD cho ĐBSCL, tập trung vào nỗ lực tăng cường khả năng chống chịu của ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản trước bối cảnh mới. 

USAID cũng đầu tư đáng kể nhằm hỗ trợ nền kinh tế "chuyển xanh". Đoàn của bà Power thăm một nhà máy thi công hàng may mặc ở Vĩnh Long, nơi sử dụng năng lượng điện mặt trời từ hệ thống áp mái cho hoạt động của nhà máy. Đây là nhà máy thuộc Tập đoàn VF (Mỹ) có hệ thống năng lượng tái tạo được lắp đặt nhờ vào sự hỗ trợ từ USAID.

Thông qua đó, bà nhấn mạnh sự ủng hộ của USAID với Việt Nam trong nỗ lực đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 mà Việt Nam đã đưa ra tại Hội nghị COP26. 

Một trong những dự án là Chương trình Năng lượng Phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) đang hỗ trợ Bộ Công Thương với kinh phí là 36 triệu USD từ năm 2021 - 2025.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.