Tổng Liên đoàn Lao động sẽ không còn 'độc quyền' sử dụng 2% công đoàn phí

07/06/2019 16:18 GMT+7

Lo ngại việc người sử dụng lao động đóng 2% phí công đoàn sẽ khiến Việt Nam vi phạm Công ước 98 sắp tham gia, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần cân nhắc làm rõ.

Chủ sử dụng lao động đóng công đoàn phí là vi phạm nguyên tắc chống can thiệp

Thảo luận tại hội trường sáng 7.6 về việc tham gia Công ước 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, đề nghị Chính phủ làm rõ việc khoản 2 điều 26 luật Công đoàn quy định người sử dụng lao động nộp 2% tiền lương cho quỹ công đoàn có bị coi là hành vi can thiệp vào tổ chức công đoàn, theo quy định tại điều 2 Công ước hay không.
Cá nhân đại biểu cho rằng, đương nhiên là hành vi can thiệp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vào tổ chức công đoàn, vì người sử dụng lao động là người nộp công đoàn phí.
Ông Bùi Sĩ Lợi cho rằng, việc chủ sử dụng lao động đóng 2% công đoàn phí là vi phạm Công ước 98 Ảnh Ngọc Thắng
Bên cạnh đó, theo ông Lợi, luật Công đoàn quy định "người lao động là người Việt Nam làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền thành lập và gia nhập công đoàn", không có sự phân biệt, tách bạch rõ từng loại lao động.
Điều này nghĩa là cả chủ sử dụng lao động cũng là đoàn viên công đoàn, nhưng lại đương nhiên có quyền được xét kỷ luật đoàn viên công đoàn của mình, do đó, theo đại biểu Lợi, cũng đương nhiên được coi là hành vi chi phối của người sử dụng lao động.
“Tuy Công ước số 98 không liên quan trực tiếp đến luật Công đoàn, nhưng là cặp song sinh với Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và quyền được tổ chức. Vì vậy, nếu gia nhập Công ước 98 thì đương nhiên chúng ta phải sửa luật Công đoàn”, ông Lợi nói và cho rằng Chính phủ cần sớm nghiên cứu xây dựng luật Tố tụng lao động để bảo đảm hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động thông qua tòa án là chủ yếu.
Ông Lợi cũng thống nhất với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại về việc Việt Nam cần phải đẩy nhanh tiến độ gia nhập Công ước số 87 về quyền được tự do hiệp hội và quyền được tổ chức, và Công ước số 105 về chống lao động cưỡng bức, chứ không để đến 2023.
Trước đó, khi góp ý thẩm tra dự án bộ luật Lao động (sửa đổi), Ủy ban Pháp luật cũng lưu ý, khoản 2 điều 2 của Công ước 98 quy định những hành vi được coi là can thiệp gồm hành vi thúc đẩy thành lập tổ chức của người lao động do người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động chi phối, hoặc nhằm hỗ trợ tổ chức của người lao động bằng tài chính, hoặc bằng những biện pháp khác với ý đồ đặt các tổ chức dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động, hay tổ chức của người sử dụng lao động.
Do đó, việc người sử dụng lao động đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương cho người lao động có thể coi là hành vi can thiệp và bị chống lại theo quy định của Công ước 98.

Không chỉ có Tổng Liên đoàn Lao động "độc quyền" sử dụng công đoàn phí

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng 2% phí công đoàn hiện nay thực hiện theo cơ chế thu về cả hệ thống, sau đó hệ thống mới chuyển đến công đoàn cơ sở, nên không trực tiếp phản ánh giới chủ cho tổ chức công đoàn kinh phí để chịu sự can thiệp. Do đó, ông Hiểu cho rằng, nội dung này là “hoàn toàn yên tâm”.
Theo ông Hiểu, trên thực tế, các tổ chức quốc tế rất quan tâm đến vấn đề can thiệp công đoàn, nhưng họ thường trao đổi hai vấn đề: kinh phí có lấy từ Chính phủ hay Đảng Cộng sản Việt Nam không; và tổ chức biên chế bộ máy.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, do có nhiều tổ chức đại diện cho người lao động nên công đoàn phí cũng phải được sử dụng theo cách khác Ảnh Ngọc Thắng
“Chúng tôi có trao đổi lại rằng chúng tôi không lấy kinh phí từ Đảng hay Chính phủ. Chúng tôi là tổ chức thành viên với sự lãnh đạo của Đảng, hiện nay chúng tôi hoàn toàn không bị can thiệp bởi Đảng và Chính phủ. Đảng lãnh đạo và Chính phủ là cơ quan phối hợp với chúng tôi trong việc thực hiện tổ chức các công việc của tổ chức công đoàn”, ông Hiểu nói.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (đại biểu đoàn Thái Bình) đại diện cho giới chủ, thì đề nghị phải nghiên cứu tái cấu trúc lại quỹ công đoàn.
“Hiện nay, 2% kinh phí công đoàn là người sử dụng lao động đóng cho tổ chức công đoàn. Bây giờ có nhiều tổ chức của người lao động thì không thể là quỹ công đoàn được, bởi vì các tổ chức đại diện khác của người lao động cũng được hưởng số tiền này. Tôi đề nghị phải thành lập một “quỹ lao động” hay “quỹ xây dựng quan hệ lao động hài hòa” ở Việt Nam", ông Lộc nói.
Việc quản lý quỹ này, theo ông Lộc, cần vai trò của nhà nước, tổ chức công đoàn và tổ chức của giới sử dụng lao động để bàn bạc với nhau xây dựng chương trình thực hiện một cách tốt nhất.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường (đại biểu tỉnh Gia Lai) đồng tình với đại biểu Vũ Tiến Lộc trong việc phải thiết kế lại quy định theo hướng: kinh phí 2% đó chia cho các tổ chức đại diện người lao động, tùy theo số lượng thành viên tham gia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.