Tổng lực gỡ khó cho bất động sản

16/12/2022 04:33 GMT+7

Sau hàng loạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản, tâm lý thị trường đã ổn định trở lại, tuy nhiên, dòng vốn thì vẫn chưa được khơi thông.

Tâm lý đã ổn nhưng vốn vẫn khó

Theo một lãnh đạo của Tập đoàn Hưng Thịnh, ngay khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và lập Tổ công tác nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án bất động sản (BĐS) tại các địa phương, doanh nghiệp (DN) ở Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh thành trực thuộc T.Ư, Tổ công tác đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM và với các DN đang có dự án bị “tắc”.

Thị trường bất động sản bước đầu đã có những tín hiệu tích cực

ĐÌNH SƠN

Sau đó, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đã có văn bản khẩn chỉ đạo Sở Xây dựng làm đầu mối chủ trì, phối hợp với các sở và các quận huyện để nghiên cứu, báo cáo đề xuất UBND TP.HCM hướng xử lý. “Đến nay vẫn chưa có kết quả gì cụ thể vì dự án BĐS cũng không thể xử lý được liền một sớm một chiều. Tổ công tác đang đi theo hướng xử lý cụ thể cho từng dự án, từng DN và khẳng định sẽ làm nhanh, đốt cháy giai đoạn để tháo gỡ khó khăn cho DN nên chúng tôi cũng đang rất kỳ vọng”, vị này cho biết.

Bản chất của thị trường là điểm nghẽn về tiền và chính sách nên làm sao tháo hai cái này thì mới giải quyết được vấn đề.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Lãnh đạo Công ty SKL đánh giá dự thảo cho phép kéo dài kỳ hạn và chuyển đổi thành tài sản khác với trái phiếu DN đã phát hành mới đưa ra lấy ý kiến và trước đó là việc nới room tín dụng thêm từ 1,5 - 2% là hai tín hiệu tích cực nhất cho thị trường hiện nay. Dù những vướng mắc vẫn còn đó nhưng tinh thần chung là tâm lý thị trường đã tích cực hơn. Vì thế, bước quan trọng tiếp theo là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ các vướng mắc để DN có thể nhanh chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Dù vậy, nhiều lãnh đạo DN BĐS cũng thừa nhận tín dụng, một trong những nút thắt lớn nhất vẫn chưa được tháo. Dù Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tăng chỉ tiêu tín dụng, nhưng việc tiếp cận vốn vay vẫn rất khó khăn ngay cả với dự án pháp lý hoàn chỉnh, kế hoạch kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp đảm bảo. Nếu gỡ được nút thắt này, những khó khăn của DN, của thị trường cơ bản sẽ được giải quyết và ngược lại, nếu không giải quyết được, thị trường vẫn sẽ rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Tháo 2 điểm nghẽn tiền và chính sách

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS VN, cho rằng một trong những tín hiệu tích cực tác động mạnh đến thị trường là những chỉ đạo liên tiếp và rất mạnh mẽ của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực này. Trong đó công điện ngày 14.12 của Thủ tướng Phạm Minh Chính là khá mạnh mẽ, toàn diện trong tháo gỡ khó khăn mà thị trường BĐS đang phải đối mặt. Thông tin này giúp các DN, nhà đầu tư gia tăng chỉ số niềm tin, sự lạc quan vào thị trường. Hiện các bộ ngành cũng đã có những giải pháp cụ thể. Như mới đây Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 65 về chào bán, giao dịch trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu ra thị trường quốc tế. Trong đó đáng chú ý là đề xuất giãn thời gian thực hiện trong vòng 1 năm đối với quy định yêu cầu xếp hạng tín nhiệm bắt buộc, cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ thì được gia hạn với thời gian tối đa là 2 năm, cho phép DN phát hành và nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu thỏa thuận về việc chuyển đổi khoản thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn thành khoản vay hoặc tài sản khác. Điều này sẽ giúp thị trường tài chính ổn định trở lại về mặt thanh khoản. Khi thị trường tài chính ổn định, thị trường BĐS được hưởng lợi, giúp DN BĐS “dễ thở” hơn. Trước đó Ngân hàng Nhà nước cũng đã quyết định tăng chỉ tiêu tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5 - 2%. Như vậy sẽ có thêm khoảng 200.000 tỉ đồng vốn cho nền kinh tế. BĐS cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ dòng tiền nới room này. Bước sang năm 2023, với chỉ tiêu room tín dụng mới, thị trường BĐS sẽ đón nguồn tiền lớn từ phía nhà băng. Đây là động lực thúc đẩy thị trường “phá băng”. Quan trọng nhất là Bộ TN-MT phải có chính sách định giá đất, xác định tiền sử dụng đất để các địa phương thực hiện chứ hiện nay không ai dám ký. Nếu có ký cũng đưa ra mức giá, số tiền sử dụng đất rất cao, không ai làm được, nhất là nhà ở xã hội và nhà giá rẻ.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết: Tới đây, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với các TP trực thuộc T.Ư, một số địa phương, các DN để nắm bắt đầy đủ thông tin, đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh. Đối với dự án còn vướng pháp lý, phải rà soát lại báo cáo, làm rõ nội dung vướng mắc, trên cơ sở đó có tháo gỡ, nhất là dự án nhà ở thương mại.

“Bản chất của thị trường là điểm nghẽn về tiền và chính sách nên làm sao tháo hai cái này thì mới giải quyết được vấn đề. Bởi không chỉ BĐS mà nhiều DN sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, nội thất, đồ gỗ, gốm sứ.... cũng phải dừng hoạt động bởi hàng ra cũng không bán được cho ai. Trong nhiều giai đoạn khủng hoảng diễn ra chúng ta đã có nhiều chính sách điều tiết rất nhanh, kịp thời. Lần này cũng thế. Chính phủ đã có những chỉ đạo cụ thể cho từng bộ ngành, từng địa phương phải làm gì. Khi làm việc với các bộ ngành, nhất là Tổ công tác, thấy họ làm việc rất mạnh mẽ, nhanh khi gặp gỡ chuyên gia, DN liên tục”, ông Đính nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, hiện các địa phương có hơn 1.000 dự án cần phải tháo gỡ. Do nguồn cung BĐS gặp khó khăn, nhiều dự án thực hiện đầu tư đang vướng về mặt thủ tục pháp lý, phải dừng hoặc hoãn tiến độ khiến số lượng dự án BĐS giảm mạnh. Tính đến hết quý 3/2022, chỉ có 104 dự án đang triển khai, chỉ bằng 51% dự án cùng kỳ so với năm 2021. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đang rất quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS với tinh thần Chính phủ đồng hành cùng DN. Ngay sau khi được thành lập, Tổ công tác đã làm việc với địa phương, DN và đã phân loại một số nhóm vấn đề vướng mắc của BĐS. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương, Tổ công tác rà soát, đề nghị địa phương khẩn trương triển khai phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đối với những vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá kỹ, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng xem xét, tháo gỡ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.