Tổng lực huy động ngân sách

30/07/2015 06:09 GMT+7

Trước tình trạng hụt thu ngân sách so với dự toán, Bộ Tài chính đang cân nhắc phương án phát hành thêm trái phiếu ngắn hạn đầu tư, đảo nợ. Đồng thời, đàm phán với Ngân hàng Nhà nước để được tạm ứng hoặc vay 30.000 tỉ đồng.

Trước tình trạng hụt thu ngân sách so với dự toán, Bộ Tài chính đang cân nhắc phương án phát hành thêm trái phiếu ngắn hạn đầu tư, đảo nợ. Đồng thời, đàm phán với Ngân hàng Nhà nước để được tạm ứng hoặc vay 30.000 tỉ đồng.

Các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc việc vay tiền, phát hành trái phiếu đảo nợ
Các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc việc vay tiền, phát hành trái phiếu đảo nợ - Ảnh: Diệp Đức Minh
Cụ thể, để thực hiện nhiệm vụ chi tiêu trong năm 2015 cũng như xây dựng dự toán năm 2016, mới đây Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp cùng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề nghị cho tạm ứng hoặc vay tạm 30.000 tỉ đồng.

Với khoản vay đảo nợ trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 5 năm thì vẫn có thể thực hiện. Liều lượng, kỳ hạn bao nhiêu thì cần tính kỹ khi thực hiện

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Cân nhắc việc vay
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng chỉ đạo các vụ, cục khẩn trương đốc thúc tiền về ngân sách như Kho bạc Nhà nước (KBNN) đảm bảo huy động đủ 250.000 tỉ đồng; huy động từ Bảo hiểm xã hội tối thiểu 95.000 tỉ đồng theo kế hoạch, nếu có điều kiện thì huy động thêm. Cục Tài chính doanh nghiệp cùng với KBNN triển khai phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) khoảng 15.000 tỉ đồng cho TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đảo nợ khoản TPCP phát hành năm 2013, đến hạn trả nợ năm 2015.
Bên cạnh đó, các đơn vị rà soát lại để trình Chính phủ khoản thu vào ngân sách các khoản phải nộp của Tập đoàn Viettel, Tập đoàn dầu khí VN, các ngân hàng thương mại và công ty cổ phần có vốn góp của nhà nước... để phấn đấu thu thêm 25.000 - 30.000 tỉ đồng. Đáng chú ý, Vụ Tài chính ngân hàng chủ động trong việc trình cấp có thẩm quyền cho phép phát hành TPCP kỳ hạn dưới 5 năm cho đầu tư phát triển và đảo nợ.
Những động thái trên xuất phát từ tình hình khó khăn trong thu ngân sách. Báo cáo của Tổng cục Thống kê ngày 29.7 cho thấy tổng thu ngân sách đến thời điểm 15.7.2015 ước tính đạt 476,5 nghìn tỉ đồng, bằng 52,3% dự toán năm. Trong đó, thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu đều chưa đạt mức dự toán.
Hạn chế rủi ro
Những giải pháp để bù đắp hụt thu, đảm bảo cân đối ngân sách không để bội chi quá lớn, theo các chuyên gia là cần thiết, tuy nhiên, cần được tiếp tục và cân nhắc thận trọng. Đặc biệt, hai phương án phát hành trái phiếu đảo nợ và vay tiền từ NHNN.
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, cho biết, thời ông còn đương nhiệm, tình huống này cũng đã xảy ra khi ngân sách gặp khó khăn. NHNN cho vay từ nguồn tiền phát hành chưa sử dụng hết, còn dư thừa, cân đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, cung ứng tiền. Thời hạn cho vay chỉ trong 1 năm kế hoạch tài chính, rất ngắn hạn.
“Vốn của NHNN hình thành từ nhiều nguồn, trong đó phần lớn huy động từ các ngân hàng thương mại dùng để cho vay đầu tư, tái cấp vốn. Các quỹ khác phải dùng để dự phòng thanh khoản, điều hành chính sách... Nếu cho vay đi mà không trả kịp thì sẽ kẹt tiền thanh toán cho nền kinh tế”, TS Kiêm cảnh báo.
Giảm chi là căn cơ
TS Cao Sĩ Kiêm phân tích, về nguyên tắc có thể vay nợ mới đáo hạn nợ cũ bằng cách phát hành TPCP, nhưng, không nên lạm dụng bởi như vậy chẳng khác gì dồn nợ, gói lại nợ cho thế hệ sau phải trả. Chia sẻ phân tích này, TS Long đề nghị: “Cần có giải pháp giảm chi thật căn cơ, bền vững hơn. Nếu cứ vay, rồi phát hành trái phiếu ngắn hạn để đảo nợ thì nợ vẫn còn đó”.
Đồng quan điểm trên, TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, dẫn chứng hiện nay NHNN có một số loại quỹ như: Quỹ dự trữ ngoại hối, Quỹ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, Quỹ dự phòng. Trong đó Quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia là dồi dào nhất. Các định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo việc vay từ dự trữ vì có thể làm ảnh hưởng đến khả năng điều hành tỷ giá, cũng như thanh toán cán cân thương mại xuất nhập khẩu quốc gia. Hai quỹ còn lại, theo TS Long cũng có vai trò quan trọng không kém, dùng để cung ứng tiền, điều hành chính sách lãi suất, dự phòng thanh khoản. “Vay tiền của NHNN, lỡ có sự cố gì thì có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và độ đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế”, TS Long nói.
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cũng cho rằng Bộ Tài chính cần thận trọng đối với việc vay thêm 30.000 tỉ đồng từ NHNN, tuy nhiên, với khoản vay đảo nợ trái phiếu kỳ hạn ngắn dưới 5 năm, theo ông Phước vẫn có thể thực hiện. Ông góp ý: “Liều lượng, kỳ hạn bao nhiêu thì cần tính kỹ khi thực hiện”.
Cũng theo ông Phước, việc huy động trái phiếu dài hạn vừa qua chưa đạt kết quả như mong muốn do lãi suất thường bị chốt cố định trong thời hạn dài, không hấp dẫn. Ông đề xuất nên chăng tính toán phương án thả nổi lãi suất TPCP dựa trên một con số cố định (như lãi suất huy động bình quân các ngân hàng) cộng thêm biên độ ví dụ từ 1 - 1,5%/năm. Như vậy sẽ hấp dẫn người mua và giảm áp lực việc phát hành trái phiếu kỳ hạn ngắn để đảo nợ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.