Người thu nhập cao cũng lo thiếu tiền
Độc thân, không con cái, 20 tuổi, Vũ Thị Hoàng Lan (quê Quảng Nam) đang làm thợ may cho một cơ sở trong hẻm nhỏ trên đường Ni Sư Huỳnh Liên (P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM). Lan cho hay cả 3 tháng nay cô không biết đến mùi vị ly trà sữa. "Hàng không có để làm nên lương cuối tháng từ 6 - 6,5 triệu giảm còn 4 triệu, có tháng nhận 3,8 triệu đồng. Có tuần làm đúng 2 ngày. Em phải nhịn ăn, nhịn tiêu để đủ tiền sống hằng tháng. Mua cái gì cũng từ hàng chục đến hàng trăm ngàn nên ở trong phòng trọ luôn, không dám ra ngoài để khỏi tốn tiền. Năm nay chắc tết không về quê được", Hoàng Lan buồn bã chia sẻ.
Tương tự, Đặng Thùy Vi (sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng than thở không dám đi chợ nấu ăn vì để nấu được 2 bữa ăn đủ chất "quay đi quay lại bay hơn 100.000 đồng như chơi". Thay vì nấu, Vi ăn tạm cơm bụi hoặc nấu mì cho qua bữa. Vi kể: "Đụng thứ gì cũng đắt đỏ, tiền mua gia vị đã hết hộp cơm bụi. Mua hành lá 5.000 đồng, 3 củ tỏi 5.000 đồng, 2 quả chanh 5.000 đồng, bó rau muống 10.000 đồng, 3 lạng thịt 50.000 đồng, rồi tiền gửi xe 5.000 đồng… chưa kể tiền photo bài tập hằng ngày nữa. Ba mẹ ở quê, tiền cho rất dè sẻn nên chi tiêu phải tính từng đồng…"
Không chỉ công nhân, sinh viên thắt lưng buộc bụng mà cả những người có nguồn thu nhập ổn định, hoặc thu nhập cao cũng mang tâm lý giảm chi tiêu. Mọi năm, vào dịp sinh nhật con gái, gia đình cô Thùy Ngân (giáo viên mầm non ở Q.10, TP.HCM) thường tổ chức bữa tiệc nhỏ trong nhà cho con và mời một số bạn thân trong xóm. Năm nay, cô bé xin mẹ cho mời thêm 2 người bạn thân học cùng lớp nhưng cô Thùy Ngân phải trả lời năm nay ngưng tổ chức mời bạn bè vì một số lý do. "Thấy con buồn mà mình cũng chịu vì năm nay thu nhập gia đình giảm nhiều. Một bữa tiệc nhỏ nhưng đến tiệm thức ăn nhanh mỗi phần 95.000 đồng, rồi tráng miệng, thêm chiếc bánh kem nữa cũng hết gần 2 triệu đồng. Năm nay chỉ mua bánh kem nhỏ 280.000 đồng để cháu thổi nến với em trai", cô Ngân phân trần.
Hay như trường hợp của gia đình chị Trần Thị Hồng (Lạc Long Quân, Q.Tân Bình), 2 vợ chồng đều làm công ty nước ngoài, mỗi tháng thu nhập hơn 40 triệu đồng, cũng là mức khá. Cuối tuần rồi chị dẫn con đi chơi tại trung tâm thương mại Aeon Tân Phú (TP.HCM), 2 đứa nhỏ đòi vào khu vui chơi TiniWorld, xem giá vé ngày cuối tuần 180.000 đồng/vé, chị Hồng lắc đầu. "Giá vé chơi cao quá. Hai đứa tiền vé hết 360.000 đồng, rồi vào trong đó mua thêm mấy chai nước, cây kem, bịch snack giá cao. Tổng chi phải gấp đôi số đó", chị Hồng kể và nói thêm: "May là 2 bé ngoan không đòi vào chơi bằng được, chứ nếu đưa con đi chơi hằng tuần, chi tiêu gia đình đội lên rất nhiều. Cho đi chơi nhưng cũng "cắt" luôn phần đi ăn nhà hàng, đi chơi về nhà ăn cơm, hoặc trễ lắm thì cho ăn lề đường".
Một khảo sát của Kantar Việt Nam mới công bố cho thấy dù kinh tế trong nước đang dần phục hồi song người tiêu dùng vẫn đang bị ảnh hưởng vì giảm thu nhập, việc làm, nên hành vi tiêu dùng thay đổi đáng kể. Cụ thể, 28% hộ gia đình đang gặp khó khăn về tài chính (trong khi giai đoạn bình thường mới sau dịch chỉ có trên dưới 21%); 66% số gia đình được khảo sát đã thắt chặt chi tiêu bằng cách giảm giải trí bên ngoài và khoảng 57% cho hay sẽ giảm ăn uống ở bên ngoài. Khó khăn ảnh hưởng đến tất cả các nhóm thu nhập, kể cả nhóm hộ gia đình có thu nhập cao. Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc phát triển kinh doanh cấp cao Kantar Việt Nam, cho biết: "Kết quả cho thấy 26% hộ gia đình thuộc nhóm có thu nhập cao và thu nhập trung bình cao lo lắng về tình hình thu nhập tài chính của gia đình. Đây là một kết quả khá bất ngờ".
Tăng sức mua, kéo dài thời gian giảm thuế GTGT
Trong bối cảnh sức mua vẫn khá dè dặt, từ trung ương đến các địa phương đều đang nỗ lực kích cầu. Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, cho biết TP sẽ tập trung tối đa cho chương trình khuyến mại tập trung lần hai vào cuối năm. Năm nay, TP tổ chức nhiều chương trình khuyến mại mạnh, khoảng 30% chương trình có hạn mức khuyến mại vượt 50%… Qua các chương trình này, nhiều doanh nghiệp (DN) đã cải thiện đáng kể doanh thu. Tuy vậy, ông Phương cũng nhận xét sức mua của người dân chưa thực sự tăng mạnh. Giảm giá bán, khuyến mại đậm để giữ thị phần là một số giải pháp DN đã và đang thực hiện.
Ngoài ra, trong Nghị quyết 164 của Chính phủ ban hành ngày 4.10, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa qua và tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương về lĩnh vực tài chính, Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được ban hành. Đối với các chính sách có hiệu lực đến hết năm 2023, chủ động nghiên cứu, rà soát, xem xét, kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền gia hạn trong trường hợp cần thiết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân. Đặc biệt, đề xuất việc trình Quốc hội (QH) tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024 và trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét quyết định trong thời gian giữa 2 kỳ họp QH nếu tình hình kinh tế và DN vẫn còn khó khăn, báo cáo QH vào kỳ họp gần nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 7.10.
Giãn, giảm thuế là cần thiết
Trong thời gian qua, chính sách giãn thuế, giảm thuế đã được sử dụng khá mạnh mẽ, trong đó đặc biệt là thuế GTGT với một số lĩnh vực, hàng hóa đã hỗ trợ được cho DN, người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp này thực sự là thích hợp, rất cần thiết. Trong chính sách tài khóa thì việc giảm thuế GTGT cũng chỉ là một phần vì trong chương trình phục hồi phát triển kinh tế vẫn còn dư địa lớn. Tùy theo quy định và tính toán từ Bộ Tài chính để đưa ra thời gian áp dụng đến giữa năm 2024 hay hết năm 2024.
Chuyên gia kinh tế - TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và thương hiệu cạnh tranh
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú bày tỏ đồng tình cần có một chính sách kích cầu lớn. Ông nói thuế GTGT không chỉ giảm thêm nửa năm mà nên kéo dài hết năm sau vì 2024 là năm rất quan trọng cho kế hoạch 5 năm của một chu kỳ phát triển. "Đừng "tham" thu 2% thuế GTGT sớm, hãy giảm mạnh để tạo lực cho nền kinh tế phục hồi tốt nhất. Thậm chí, trong 3 tháng cuối năm nên tăng mức giảm thuế GTGT lên 5% và mở rộng các mặt hàng ra, đặc biệt với hàng tiêu dùng, mua sắm cần thiết. Phải kích thích mua sắm, bán được nhiều hàng hóa, tăng doanh thu thì nền kinh tế mới sôi động được. Phải có chính sách mạnh đẩy cầu tăng mạnh, liên tục, tạo cơn sóng mua hàng tăng mới có tính đột phá cho nền kinh tế được", ông nói.
Theo chuyên gia này, xuất khẩu vẫn giảm, DN phải quay về thị trường nội địa. Vì vậy, phải làm thế nào để giải quyết đầu ra cho DN có thể tái sản xuất. Khi đó mới phát triển công ăn việc làm, tăng thu nhập, từ đó tăng nhu cầu mua sắm. Thứ hai là trong hội nhập, đặc biệt vào thời điểm khó khăn, hàng hóa từ các nước cũng tràn vào nhiều từ thấp cấp đến cao cấp, với thuế suất gần bằng 0. Nếu không đẩy mạnh cho người Việt mua hàng của nhà sản xuất trong nước thì DN nội sẽ thua ngay trên sân nhà.
Ông Vũ Vinh Phú nhận xét thêm kích cầu phải dài ngày, kích cầu tại TP.HCM còn chờ người ở Long An, Tiền Giang lên mua sắm, hay tại Hà Nội phải có người mua từ Hải Dương, Bắc Ninh… Thậm chí kích cầu trên máy bay để khách quốc tế biết đến TP.HCM, ra trung tâm thương mại trên đường Đồng Khởi đang bán loạt hàng giảm giá thế nào… Theo ông, chúng ta hay làm khuyến mại theo tuần, hết tuần giảm giá mặt hàng thịt heo là ngưng, quay lại bán giá cao, như vậy tính hiệu quả không cao.
"Phải giảm giá đồng loạt các mặt hàng từ son phấn, áo quần đến miếng đậu phụ, ký thịt heo, bó rau… trong thời gian dài. Phải mở rộng hệ thống phân phối, chăm sóc thị trường tiêu dùng nông thôn chiếm đến 70%. Đây cũng là thị trường đang bị hàng giả, hàng kém chất lượng… chiếm dụng và len lỏi vào nhu cầu tiêu dùng chân chính của người dân. Muốn vậy, phải giải quyết đầu ra sản phẩm cho nhà nông. Họ phải bán được củ khoai, quả bí, con gà… thì mới có tiền mua những mặt hàng sản xuất tiêu dùng khác. Phải chống buôn lậu, bán hàng giả vì hàng giả khiến người có nhu cầu mua sắm không dám đi chợ", ông Phú kiến nghị.
Nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế
Ngoài các chính sách giảm phí, thuế dành cho DN và người dân nói chung, một trong những giải pháp để góp phần kích thích sức mua được các chuyên gia đề xuất là nâng mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Đây sẽ là chính sách hỗ trợ cho một bộ phận khá lớn người lao động để họ tăng thu nhập, từ đó có thể tăng chi tiêu cho đời sống, góp phần nâng sức mua trên thị trường.
Thực tế, luật Thuế TNCN sau hơn 14 năm áp dụng (có sửa đổi gần nhất vào cuối năm 2012) bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý, lạc hậu. Nhiều năm qua, hàng loạt chuyên gia kinh tế lẫn đại biểu QH liên tục đề xuất phải sớm sửa đổi để đảm bảo đời sống cho người nộp thuế, khoan sức dân. Đặc biệt, mức GTGC cho người nộp thuế dù đã được sửa đổi theo quy định từ năm 2021 lên 11 triệu đồng/tháng và cho người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng cũng quá lạc hậu, không đảm bảo cuộc sống bình thường ở các đô thị cho người lao động. Nghị quyết 101/2023 về Kỳ họp thứ 5, QH Khóa XV vào đầu tháng 7 vừa qua cũng yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu đề ra. Trong đó, điều hành chính sách tài khóa cần nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức GTGC đối với thuế TNCN.
Chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa phân tích: Sau rất nhiều năm, đặc biệt từ dịch Covid-19, kinh tế gặp khó khăn, Chính phủ đã có nhiều chính sách giảm, giãn thuế, phí để hỗ trợ DN, kích thích kinh tế phát triển. Thế nhưng, một bộ phận người lao động đang là đối tượng nộp thuế TNCN thường là trụ cột chính trong gia đình cũng bị giảm thu nhập thì vẫn chưa có chính sách nào hỗ trợ. Ông nhấn mạnh: "Đây là đối tượng chi tiêu mua sắm nhiều trên thị trường. Nếu có chính sách kịp thời như giảm thuế cho họ cũng sẽ góp phần làm động lực thúc đẩy kích cầu tiêu dùng. Vì vậy, nên nhanh chóng xem xét nâng mức GTGC cho người nộp thuế TNCN trước khi chờ QH xem xét sửa đổi toàn diện luật Thuế TNCN".
Cụ thể, trước đây, khi xem xét đưa ra mức GTGC 4 triệu đồng/người/tháng trong luật Thuế TNCN 2007 và áp dụng từ đầu năm 2009, mức GTGC này tương ứng khoảng 2,5 lần GDP bình quân đầu người theo mục tiêu đến năm 2009 - 2010 đạt khoảng 1.100 USD/năm (tương ứng khoảng 1,5 triệu đồng/tháng). Theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 95,6 triệu đồng/người, tương đương 8 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức GTGC phải được nâng lên ở mức 20 triệu đồng/người/tháng. Từ đó, GTGC cho người phụ thuộc bằng 40% người nộp thuế nên cần tăng lên 8 triệu đồng/người/tháng.
"Hiện nay trong tình hình kinh tế vẫn khó khăn, tiêu dùng nội địa thấp. Từ chợ đến siêu thị đều thấy vắng người mua. Chính phủ cần đề xuất Ủy ban Thường vụ QH xem xét để nhanh chóng nâng mức GTGC cho người nộp thuế TNCN. Chính sách này sẽ góp phần cùng với các giải pháp giảm thuế GTGT, giãn thuế, phí… đang áp dụng để tổng lực kích thích tiêu dùng trong nước. Từ đó các DN mới có thể gia tăng sản xuất, đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước qua các hoạt động đóng thuế, phí", luật sư Trần Xoa chia sẻ thêm.
Nên cắt giảm từ 7 xuống còn 5 bậc thuế
Qua rà soát cơ cấu biểu thuế hiện nay và nghiên cứu xu hướng cải thiện về mức sống dân cư trong thời gian tới cũng như kinh nghiệm quốc tế, Bộ Tư pháp cho rằng VN có thể nghiên cứu để cắt giảm từ 7 bậc xuống 5 bậc thuế TNCN; xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn vào những người có thu nhập ở bậc thuế cao. Thực hiện theo hướng này sẽ góp phần đơn giản hóa, giảm số bậc thuế nhằm tạo thuận lợi cho công tác kê khai, nộp thuế. Mức GTGC cụ thể cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo cao hơn GDP bình quân đầu người, tiền lương tối thiểu vùng, mức chi tiêu bình quân đầu người trong một giai đoạn nhất định. Nếu dự kiến đến năm 2026, luật thuế này có hiệu lực thi hành thì cũng có thể nghiên cứu sửa đổi nâng mức GTGC cho phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư trong giai đoạn tới…
Bình luận (0)