Tổng lực tái thiết sau lũ

25/10/2020 05:38 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần huy động tổng lực tái thiết sau lũ; xác định những việc cần làm ngay để đảm bảo đời sống bình thường của người dân; không để người dân thiếu đói, rét, dịch bệnh, màn trời chiếu đất.

Thiệt hại lớn, thiếu phương tiện cứu hộ cứu nạn, khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ... là những nội dung quan trọng được đưa ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại diện lãnh đạo 5 tỉnh ở miền Trung hôm qua (24.10).
Mở đầu cuộc làm việc với các bộ, ngành và 5 địa phương (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam) tổ chức hôm qua tại TP.Đồng Hới (Quảng Bình), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chia sẻ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đến người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.

Xót xa Lệ Thủy đổ nát, tan hoang sau lũ lụt lịch sử trăm năm có một

Nghiêm trọng và khốc liệt

Tại cuộc họp, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai (PCTT), trong gần 1 tháng qua, các tỉnh, thành duyên hải miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam) liên tiếp chịu ảnh hưởng của 3 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới, gây ra 2 đợt mưa lớn kéo dài.
Lũ gây ngập trên diện rộng, làm 317.597 hộ với hơn 1,2 triệu người bị ngập tại 427 xã thuộc 6 tỉnh, thành và kéo dài (nơi dài nhất 15 ngày). Trong đó, Quảng Bình là tỉnh bị ngập nặng nhất với 109.254 hộ, có nơi ngập sâu 2 - 3 m. Xuất hiện 268 điểm sạt lở đất ở khu vực miền núi. Mưa lũ làm 119 người chết, 21 người mất tích, hơn 37.500 ngôi nhà bị hư hỏng...
Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, Bộ NN-PTNT đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan và địa phương hỗ trợ kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư, kinh phí trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 và 1 gói vốn vay ưu đãi ODA để hỗ trợ các địa phương xử lý khẩn cấp khôi phục công trình PCTT, đê điều, thủy lợi, đường giao thông... Xem xét điều chỉnh cơ chế, chính sách hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai từ nguồn dự trữ quốc gia đảm bảo kịp thời, phù hợp với thực tế. Đồng thời, có cơ chế ưu tiên, tăng cường trang thiết bị chuyên dụng; nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia làm công tác PCTT - tìm kiếm cứu nạn từ T.Ư đến địa phương... Đại diện các địa phương cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiền, gạo, thuốc, giống sản xuất.

Mùa mưa lũ dị thường ở miền Trung: Nỗi thống khổ chưa hồi kết

“Giải quyết tốt vấn đề cứu trợ”

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần huy động tổng lực tái thiết sau lũ; xác định những việc cần làm ngay để đảm bảo đời sống bình thường của người dân, xử lý môi trường; không để người dân thiếu đói, rét, dịch bệnh, màn trời chiếu đất. Thủ tướng lưu ý: “Các Tỉnh ủy vận động cả hệ thống chính trị xắn tay vào cùng với người dân; nhất là lực lượng quân đội, công an cần điều chỉnh lực lượng để tiếp tục hỗ trợ người dân”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý việc phát triển thủy điện phải an toàn, hạn chế và không phát triển thủy điện nhỏ lẻ; mạnh mẽ và tích cực trồng rừng hơn nữa. Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị sẵn các phương án để hỗ trợ cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong mùa mưa bão này.
Liên quan cứu trợ cộng đồng, Thủ tướng đánh giá nhiều cá nhân, tổ chức với tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ rất lớn cho người dân, đó là truyền thống rất đáng trân trọng và tự hào. Vì vậy, cần tạo điều kiện cho nhà tài trợ được đến các địa phương. “Giải quyết tốt vấn đề cứu trợ của các tổ chức, cá nhân, tạo thuận lợi và bình đẳng, công khai, không gây khó khăn”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm hỏi, động viên, trao quà cho người dân thôn Đồng Tư và Trường mầm non Hiền Ninh (xã Hiền Ninh, H.Quảng Ninh, Quảng Bình). Để giúp các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ cho 5 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam) mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỉ đồng; xuất cấp 20 xuồng cao tốc, 384 nhà bạt, 23.146 phao cứu sinh các loại, 8 máy phát điện.

Người dân vùng lũ Thừa Thiên-Huế: “Thiệt hại mùa màng ghê gớm quá. Khiếp! Chưa từng thấy”

Cần cải thiện năng lực dự báo lũ

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT, các bản tin dự báo, cảnh báo mưa lũ cơ bản sát so với thực tế, nhưng chỉ dự báo được lũ đặc biệt lớn trước khoảng 3 - 6 giờ.
Vì vậy, công tác chỉ đạo điều hành không chủ động; nhất là những nơi đang bị ảnh hưởng thiên tai, vùng sâu, vùng xa... thông tin đến người dân rất khó khăn. Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTT đề xuất cần nghiên cứu, đánh giá tình trạng diễn biến bất bình thường của thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, để từ đó rà soát xây dựng các kịch bản phù hợp cũng như nâng cao năng lực trong công tác dự báo, cảnh báo.
Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, các tỉnh miền Trung đã có bản đồ cảnh báo sạt lở đất đai; nhưng về mặt lâu dài cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bản đồ cảnh báo mức độ lớn hơn, chi tiết hơn và phối hợp Bộ NN-PTNT nghiên cứu vấn đề dòng chảy. 
 

Bão số 8 sẽ hướng vào Hà Tĩnh đến Quảng Trị

Tối 24.10, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 16 giờ ngày 24.10, tâm bão số 8 cách phía bắc quần đảo Hoàng Sa khoảng 100 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 12. Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km.

Bão số 8 tiến sát bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Trị, thêm bão số 9 sắp vào biển Đông

Đến 16 giờ hôm nay 25.10, vị trí tâm bão cách phía đông đất liền các tỉnh Hà Tĩnh đến Quảng Trị khoảng 140 km. Dự báo trong 24 - 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15 - 20 km và đi vào đất liền các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Chiều cùng ngày, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết ở vùng biển phía đông Philippines có một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Dự báo trong 24 - 48 giờ tới, cơn bão này sẽ đi vào Biển Đông và là cơn bão số 9 trong năm nay.
Dự báo đến 16 giờ ngày 26.10, tâm bão ở khoảng 13,6 độ vĩ bắc và 119,7 độ kinh đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 620 km về phía đông đông bắc. Vùng gần tâm bão, sức gió mạnh nhất đạt cấp 9, tức là từ 75 - 90 km/giờ, giật cấp 11.
Phan Hậu 

Tìm thấy 4 thi thể bị lở núi vùi lấp giữa rừng ở Quảng Bình

Chiều 24.10, lực lượng chức năng địa phương và người dân đã tìm thấy, đưa 3 thi thể cuối cùng trong vụ sạt lở làm 4 người ở xã Hưng Trạch (H.Bố Trạch, Quảng Bình) tử nạn về nhà mai táng.
Hiện trường vụ sạt lở ở Quảng Bình làm 4 người tử nạn Ảnh: CTV

Hiện trường vụ sạt lở ở Quảng Bình làm 4 người tử nạn

Ảnh: CTV

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND H.Bố Trạch, ngày 23.10, cơ quan chức năng nhận được tin báo có 4 người dân đi rừng từ trước ngày 15.10 và bị mất tích, gồm Nguyễn Văn Sơn (47 tuổi), Nguyễn Văn Hạnh (53 tuổi), Nguyễn Văn Sáng (33 tuổi) và Trần Văn Lý (60 tuổi, đều ở thôn Bồng Lai 2, xã Hưng Trạch).
Ngay sau đó, H.Bố Trạch đã cử một tổ đi tiền trạm, phối hợp người dân tìm kiếm. Đến tối 23.10, lực lượng cứu nạn tìm được thi thể ông Sơn. Sau đó, lãnh đạo H.Bố Trạch đã họp, thành lập đoàn 40 người với đầy đủ các lực lượng để vào khu vực bị sạt lở tiếp tục tìm kiếm. Cũng theo thông tin từ H.Bố Trạch, 4 nạn nhân này vào rừng tìm trầm, dựng lán trại dưới chân một quả núi để ở; sau đó bị đất đá sạt lở xuống vùi lấp, gây tử vong. Lãnh đạo H.Bố Trạch cũng đã đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ 5 triệu đồng/gia đình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.