'Tổng tấn công' hàng nhái, hàng dỏm dịp Tết Kỷ Hợi 2019

13/12/2018 17:57 GMT+7

Đây là nội dung tập trung thực hiện của cơ quan quản lý thị trường cả nước dịp cuối năm 2018.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) mới ban hành công văn chỉ đạo các đơn vị mở đợt cao điểm kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi 2019.
Cơ quan này yêu cầu các Cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra chống vận chuyển và kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, gian lận thương mại như: vật liệu nổ, pháo nổ, pháo hoa, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại, vải, quần áo, giầy dép; nguyên phụ liệu may mặc, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát; điện tử - điện máy; xăng dầu; tân dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền...
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra kiểm soát chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp tết. Đó là những sản phẩm gồm thực phẩm, bánh kẹo, bột ngọt, rượu bia, hàng tiêu dùng cũng như các loại hàng hóa giả nguồn gốc xuất xứ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Bánh kẹo sẽ là mặt hàng được kiểm tra kỹ trước và trong dịp tết Ng.Nga
Đặc biệt, cơ quan quản lý nhấn mạnh cần phối hợp với các lực lượng chức năng tập trung vào khu vực các chợ đầu mối, siêu thị, kho chứa hàng đông lạnh. Đồng thời kiểm tra ở các đơn vị nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm đông lạnh và các cơ sở sản xuất - kinh doanh thực phẩm đường phố. Những mặt hàng cần tập trung kiểm tra gồm rượu, bia, nước giải khát, sữa và các sản phẩm từ sữa, bánh mứt kẹo, dầu thực vật, tinh bột và sản phẩm từ bột; lương thực, thực phẩm đông lạnh (kể cả nhập khẩu và sản xuất trong nước), thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, rau, củ quả còn tồn dư chất bảo quản; gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu, chưa qua kiểm dịch, nhiễm vi sinh...
Ngoài ra, cơ quản quản lý thị trường cũng sẽ kiểm tra các biểu hiện của hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật hay việc thực hiện đo lường hàng hóa (cân, đong, đóng gói hàng hóa), công bố chất lượng hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa của các cơ sở sản xuất kinh doanh bán buôn, bán lẻ. Hoạt động này nhằm để phát hiện các thủ đoạn gian lận về giá hoặc lợi dụng đo lường, đóng gói để tăng giá; kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.